Kinhtedothi - Ngày 14/4, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã giám sát tại hai quận Nam Từ Liêm và Tây Hồ về tình hình chấp hành pháp luật đất đai, đầu tư xây dựng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án trên địa bàn. Rất nhiều dự án vi phạm đã được chỉ ra và lãnh đạo các quận đều đề xuất TP cần cương quyết thu hồi.
Đất bỏ hoang, dân bức xúc
Thống kê của quận Tây Hồ cho thấy, trên địa bàn hiện có 20 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai. Trong số đó, năm 2014 có 3 dự án đã có quyết định, tờ trình thu hồi, trong đó có Dự án khu an dưỡng, nhà nghỉ câu lạc bộ, văn phòng công ty (cụm 4, phường Nhật Tân) chủ đầu tư là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Dự án này có quyết định giao đất từ năm 2002, hiện nay, Công ty vẫn bỏ hoang hóa, chưa đưa đất vào sử dụng và cũng không có biện pháp quản lý chống lấn chiếm, đến tháng 11/2014 Sở TNMT đã lập hồ sơ thu hồi đất và có tờ trình thu hồi. Với những dự án khác, có nhiều dự án được giao đất từ năm 2004 như khu nhà ở tái định cư, GPMB và kinh doanh của Công ty Xây lắp hóa chất (phường Xuân La) đến nay vẫn chưa được triển khai. Đặc biệt, Dự án Sông Hồng City của Công ty Phát triển đô thị (Hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ) được giao đất từ năm 1995, do dự án không triển khai, năm 2011, TP cũng đã kiểm tra, đôn đốc, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai gây bức xúc cho người dân...
Một dự án chậm triển khai tại quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Trước câu hỏi của đoàn giám sát về việc trong số các dự án chậm triển khai, có hay không nguyên nhân chủ quan từ các nhà đầu tư. Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Anh Tuấn cho biết: Trong số 20 dự án này, có đến 16 dự án trong quá tình tổ chức thực hiện, chủ đầu tư rất yếu trong phối hợp với quận, nhiều chủ đầu tư năng lực tài chính yếu, dự án bỏ hoang nhiều năm. Quan điểm của quận là đề nghị TP thu hồi toàn bộ 20 dự án này bởi đến nay hầu như chưa có dự án nào đầu tư xây dựng.
Đưa ra dẫn chứng từ Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc của Công ty TNHH IDC tại phường Yên Phụ được giao đất từ năm 1999, nhưng đến nay mới triển khai một phần của dự án, hiện còn 72 hộ dân chưa GPMB, đang sống trong điều kiện rất khó khăn vì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không được xây dựng (do đất nằm trong dự án), ông Đỗ Anh Tuấn cho biết: Quận nhận thấy rằng, chủ đầu tư không đủ năng lực đầu tư và cũng không nhất trí việc thu hồi đất ở để làm dự án nhà ở. Nên quận cũng đã đề nghị TP xem xét dừng dự án và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sinh sống ở đây.
Lỗi của chủ đầu tư chiếm phần nhiều
Tại quận Nam Từ Liêm, lãnh đạo quận cho biết, qua việc thường xuyên kiểm tra, giám sát đã phát hiện 21 dự án chậm GPMB, không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng với tổng diện tích hơn 70ha; 32 dự án chậm tiến độ thực hiện dự án 24 tháng so với dự án đầu tư được phê duyệt với hơn 120ha. Trong đó, có dự án đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 đến nay vẫn chưa triển khai như ô đất trong Khu đô thị Mễ Trì Hạ của Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội; dự án xây dựng văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm (chung cư 99 Trần Bình) của Công ty TNHH Đức Phương…
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Trường Sơn, nguyên nhân chủ yếu khiến dự án chậm triển khai là do năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu; rất nhiều chủ đầu tư không chủ động phối hợp với quận, thậm chí có dự án quận cũng không thể liên hệ được với chủ đầu tư như dự án khu tái định cư kinh doanh tổng hợp ở Phương Canh (Công ty Xây lắp công nghiệp) có quyết định thu hồi đất từ năm 2010 nhưng 3 năm quận không liên hệ được với chủ đầu tư... Với những dự án này, quận chia làm 2 nhóm: Với những dự án mấy năm không liên hệ được để thực hiện GPMB đề nghị TP thu hồi; những dự án chủ đầu tư phối hợp lỏng lẻo, quận đã có văn bản đôn đốc và ra thời hạn tối đa, sau đó nếu không có kết quả sẽ đề nghị TP xử lý.
Trong cuộc giám sát, lãnh đạo phường Mễ Trì, Phú Đô, địa bàn có nhiều dự án "treo" đều nêu hệ lụy: Do các dự án chậm thực hiện, nên gây khó khăn cho quận trong GPMB các dự án khác... Vì vậy, quận Nam Từ Liêm đề nghị TP kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm trong sử dụng đất đai này, có nhiều dự án ngay từ GPMB chủ đầu tư đã không đủ sức, nên chấm dứt từ quyết định thu hồi đất, tránh GPMB xong rồi lại "quây tôn" bỏ hoang. Theo Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Tứ, với những dự án trường tư thục không khả thi nữa, cần sớm thu hồi để quận đầu tư xây dựng trường công lập (quận còn thiếu 23 trường công lập); các dự án trung tâm thể thao, thu hồi chuyển quận làm các thiết chế văn hóa....
Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Nguyễn Văn Nam nhận xét: Qua giám sát cho thấy, dù những vi phạm ở những mức độ khác nhau, nhưng lý do thuộc về chủ quan của chủ đầu tư chiếm phần nhiều. Do đó, đề nghị quận tiếp tục rà soát, kiểm tra, đề nghị xử lý với từng dự án một cách quyết liệt nhất, với mục đích cuối cùng là đưa đất vào sử dụng hiệu quả.