Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết dỡ bỏ những rào cản hệ thống giáo dục mở

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi rất mong các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ, chúng ta hãy cùng nhau nhân lên khát vọng Việt Nam không dốt so với thế giới. Chừng nào khát vọng ấy được nung nấu thì tất cả mọi người cùng tham gia học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.

Cách mạng 4.0, không thể thiếu giáo dục mở

Ngày 16/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ĐH, CĐ) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ, hội nhập quốc tế". Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Quân đội Nhân dân

Phát biểu khai mạc, GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam nêu vấn đề, giáo dục mở đã được đưa ra trong Nghị quyết 29 gần 5 năm nay nhưng chưa được đề cập đến một cách đầy đủ. Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tạo áp lực đổi mới đội ngũ lao động, làm cho giáo dục mở trở thành luồng gió mới ở nhiều nước. Việt Nam với một nền giáo dục của nhân dân, yếu tố mở càng không thể thiếu được.

Hiện nay, giáo dục mở xuất hiện nhiều yếu tố mới, như bên cạnh trường lớp còn có các trung tâm, tài nguyên học liệu mở. Yếu tố mở không chỉ trong nước mà xuyên quốc gia, tạo điều kiện cho rất nhiều người được tiếp cận giáo dục cũng như lựa chọn.

Nền giáo dục mở đòi hỏi có sự thay đổi về quản lý. Không thể thiết kế một hệ thống quản lý đúng với nhiều điều kiện cụ thể, làm gì cũng phải dựa vào. Ai muốn làm khác thì phải hỏi, dẫn đến cơ chế xin - cho. "Cần thiết kế hành lang pháp lý tương đối chặt nhưng đủ rộng. Cũng như, chừa không gian cho các cơ sở giáo dục, thầy giáo tùy hướng tối ưu hóa trong phạm vi nhiệm vụ của mình thì giáo dục mới có hiệu quả", GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Trong khi ấy, nhiều nhà khoa học băn khoăn về những rào cản đối với hệ thống giáo dục mở rất cần được dỡ bỏ. Nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra 5 rào cản trong xây dựng hệ thống giáo dục mở ở nước ta, đó là nhận thức, chính sách, kinh tế, sức ỳ của hệ thống giáo dục, lợi ích, ngôn ngữ và kỹ thuật.

TS Nhật Tiến cho rằng, để bàn về giải pháp, trước tiên cần thống nhất xây dựng hệ thống giáo dục mở. Hệ thống giáo dục mở ở nước ta mới ở mức độ khởi đầu, các rào cản chưa dễ khắc phục. Vì thế, những năm trước mắt, tốt nhất tập trung xây dựng hệ thống giáo dục mở tối thiểu với việc đưa vào sử dụng có hiệu quả các tài nguyên giáo dục mở, khóa học trực tuyến mở đại chúng...

Xây dựng hệ thống học liệu mở

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta làm rất sớm hai việc giáo dục mở, chứ không phải chỉ đến khi có Nghị quyết 29. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 đã xác định rất rõ là chuyển dần hệ thống giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở. Sau khi có Nghị quyết 29, cùng lúc Chính phủ xây dựng chương trình đề án xã hội học tập theo đúng tinh thần giáo dục mở; ban hành Khung hệ thống giáo dục Việt Nam và Khung trình độ giáo dục Việt Nam rất căn bản và hoàn toàn theo hướng mở.

Phó Thủ tướng tiếp thu các ý kiến xác đáng tại hội thảo và mong các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ những vấn đề mang tính khoa học, triết lý và các khái niệm có liên quan. Phó Thủ tướng lưu ý, những gì đã trở thành xu hướng thế giới thì chúng ta phải theo.

Bàn về giáo dục mở, Phó Thủ tướng cho rằng có rất nhiều việc phải làm. "Nhưng, chúng tôi rất đồng tình là tất cả những rào cản cản trở tinh thần giáo dục mở được nhận diện thì phải được dỡ bỏ một cách rất kiên quyết. Chẳng hạn như GS Đặng Ứng Vận nói về địa điểm đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào....", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng đồng tình với những việc cần làm ngay, đó là tập trung kêu gọi để xây dựng được hệ thống học liệu mở. Trong chương trình xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa, có một số trường ĐH đã tình nguyện tham gia để làm nòng cốt kêu gọi các trường khác cùng tham gia. Những việc cần làm ngay như kiên quyết đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực, trước hết là giáo dục, để từng cá nhân và mọi người đều học được. Cùng với việc tháo dỡ rào cản, tới đây tập trung sửa 2 luật (Giáo dục và Giáo dục ĐH) nhưng quan trọng hơn là làm sao để cả xã hội nhận thức được học không phải chỉ lấy bằng mà học để biết, để làm việc tốt hơn, để chung sống tốt hơn và để sáng tạo ra tri thức đóng góp cho xã hội....

"Tôi rất mong các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ hãy cùng nhau nhân lên khát vọng là Việt Nam không dốt so với thế giới. Chừng nào khát vọng ấy được nung nấu thì tất cả mọi người cùng tham gia học", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.