Lạm phát 2011 quá cao
Tại phiên khai mạc Hội nghị của Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 (diễn ra trong hai ngày 22 - 23/12) tại Hà Nội, Bộ trưởng KH & ĐT Bùi Quang Vinh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2011 là 18,12%. Nhận định đây là năm mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều có lạm phát, song Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, so với các nước, mức lạm phát ở Việt Nam rất cao. CPI năm nay vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao. Trước đó, trong phiên họp Quốc hội tháng 6/2011, Chính phủ đề nghị nới lỏng chỉ tiêu CPI cả năm lên không quá 17%, tuy nhiên chỉ tiêu này cuối cùng vẫn không đạt được như kỳ vọng.
Nhìn lại diễn biến lạm phát năm 2011 có thể thấy "đường đi" của CPI năm nay khá phức tạp, thể hiện ở việc tăng cao những tháng đầu năm và giảm dần từ quý II. Trong 4 tháng cuối năm, lạm phát có dấu hiệu giảm tốc, chỉ tăng dưới 1% mỗi tháng. Nhưng lạm phát tháng 12 lại có dấu hiệu nhích lên so với 2 tháng trước đó. Cụ thể, lạm phát tháng 10 và tháng 11 chỉ tăng 0,36% và 0,39% nhưng lạm phát tháng 12 tăng 0,53%. Đáng lưu ý, lạm phát tháng 12 chưa phản ánh hiện tượng tăng giá điện, và trần vé máy bay, vì thời điểm tăng giá hai mặt hàng này diễn ra sau ngày chốt số liệu lấy CPI. Các chuyên gia dự báo, có thể đà tăng giá trong tháng đầu tiên của năm 2012 sẽ mạnh hơn do tác động kép của các yếu tố điều chỉnh giá hai mặt hàng nói trên và biến động tăng giá hàng hóa có thể diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán.
"Năm 2012, phải đặt mục tiêu giảm lạm phát, không quá chú trọng tốc độ tăng trưởng GDP, có thể chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 3 - 4%, cùng lắm là 5%. Cần kiên quyết giảm thu ngân sách xuống 22 - 23% GDP, trên cơ sở đó, thực sự giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP. Việc thực hiện các mục tiêu này vừa cho xã hội thấy quyết tâm và hành động tái cơ cấu của Chính phủ, tạo lòng tin cho nhân dân, vừa là cách hỗ trợ thiết thực và tích cực khu vực tư nhân phục hồi hoạt động tăng trưởng". PGS.TS Trần Đình Thiên Viện Kinh tế Việt Nam |
Báo cáo tình hình thực hiện NQ số 2/NQ-CP và NQ 11/NQ-CP, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn chỉ ra những mặt tồn tại và hạn chế của nền kinh tế nước ta trong năm qua, thể hiện ở việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chưa hiệu quả; mặt bằng lãi suất còn cao (huy động 14%, cho vay 18 -20%), khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 2011, 10% doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động). Bên cạnh đó, tăng trưởng năm qua chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư; hiệu quả đầu tư thấp…
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do tác động của những bất ổn kinh tế và khủng hoảng nợ công cao ở nhiều nước trên thế giới, nhưng Chính phủ cũng nhận định chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế kém hiệu quả đã tích tụ từ nhiều năm trước, kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm và một số mặt hạn chế trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành.
Năm 2012, trọng tâm là kiềm chế lạm phát
Một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày (sáng 22/12) là: Tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ; Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; Tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Tình hình kinh tế thế giới trong năm 2012 dự báo còn diễn biến phức tạp, xu hướng phục hồi chậm và khó lường. Nguy cơ bất ổn vĩ mô và khủng hoảng nợ công còn trầm trọng; Giá dầu thô, lương thực, thực phẩm vẫn bất ổn định; Mâu thuẫn, xung đột lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp diễn ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới, làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam... Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ trong năm tới sẽ là đưa lạm phát xuống còn 9%; Kiểm soát được nhập siêu; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%; Đảm bảo an sinh xã hội...
Với những mục tiêu trên, năm 2012 đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu năm mới.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2012: GDP tăng khoảng 6 - 6,5%; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; nhập siêu khoảng 11 - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,5% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước phấn đấu dưới 4,8% GDP. |