Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết loại bỏ công trình thủy điện không hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển thủy điện vừa cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, vừa đáp ứng...

Kinhtedothi - Để phát triển thủy điện vừa cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, vừa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thì cần phải tiếp tục rà soát quy hoạch, rà soát các công trình đang triển khai xây dựng để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng yêu cầu về môi trường. Với 88,96% số phiếu tán thành, sáng nay 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện.

Việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Có ý kiến đề nghị xem xét việc dừng phát triển thủy điện nhỏ, vì công suất phát điện đóng góp không đáng kể nhưng gây nhiều hệ lụy tiêu cực về môi trường và xã hội; đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng tái tạo khác thay thế.
Kiên quyết loại bỏ công trình thủy điện không hiệu quả - Ảnh 1

Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình: Cho đến nay, thủy điện nhỏ đóng góp khoảng 26% công suất phát điện, góp phần tạo thêm việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực có dự án... Như vậy, thủy điện nhỏ vẫn có vai trò đáng kể trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội. Nếu được quy hoạch hợp lý, được thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác đúng quy định, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường thì thủy điện nhỏ sẽ có nhiều ưu điểm của nguồn năng lượng tái tạo. Vì thế, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thủy điện nhỏ, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nội dung yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.

Việc quản lý diện tích rừng, đất rừng được chuyển đổi mục đích cho công trình thủy điện trong thời gian qua còn thiếu chặt chẽ, vi phạm quy hoạch bảo vệ phát triển rừng; nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường chưa được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là giai đoạn kiểm tra, giám sát. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, sau khi thống nhất với các các cơ quan có liên quan của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý, bổ sung yêu cầu thời gian hoàn thành việc trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác; bảo đảm bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện. 

Nhận thấy nhiệm vụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng chưa cao. Tại một số công trình thủy điện việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực. Đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, yêu cầu, trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; phấn đấu hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa. Hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình đập, hồ chứa, đặc biệt là về kháng chấn động đất; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn đối với một số công nghệ mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. 

Tập trung hoàn thành trong năm 2014 việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các dự án thủy điện... 

Quốc hội yêu cầu phải quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.