Chạy lòng vòng để “né” vi phạm
Thực tế hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, tại các khu vực cổng ga Hà Nội, cổng các bệnh viện, trước cửa vào của các bến xe, khách sạn... cứ tuần tra, kiểm soát là ngay lập tức phát hiện và bắt giữ được taxi vi phạm.
Ở các khu vực này, rất nhiều taxi dừng đỗ tùy tiện, cho xe nổ máy, nhấp nháy đèn xi nhan, mở cửa xe... . Chỉ thoáng thấy cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông là lái xe rồ ga bỏ chạy.
Theo số liệu thống kê của lực lượng chức năng, bình quân cứ 15 xe taxi đang hoạt động có 1 "taxi dù." Sau mỗi đợt ra quân, tăng cường xử lý taxi vi phạm, hàng nghìn trường hợp đã được xử lý với số tiền phạt lên tới vài tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể đưa taxi vào hoạt động quy củ.
Gần các giờ cao điểm, trên các tuyến phố có bệnh viện, bến xe nằm trên địa bàn, nhiều người đi đường dễ dàng bắt gặp tình trạng xe cứu thương muốn vào được bệnh viện phải bóp còi inh ỏi do cổng đã bị xe taxi bịt kín.
Theo lực lượng chức năng, taxi chính hãng và taxi “dù” chủ yếu hoạt động ở các nhà ga, bệnh viện, khách sạn và có một số đội ngũ “cò” sẵn sàng tiếp tay để chèo kéo khách lên các xe này.
Trong khi đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện chỉ làm nhiệm vụ ở trong khu vực trong viện nên cũng không thể “đuổi” được số lái xe taxi này. Còn tại khu vực cổng các bệnh viện Việt Đức, Phụ sản, Mắt Trung ương… Công an phường, Cảnh sát trật tự liên tục dùng loa nhắc nhở nhưng các lái xe taxi “né” bằng cách dừng đỗ 5-10 phút rồi chạy lòng vòng quay về tập kết khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra xử phạt vi phạm giao thông. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 khẳng định: “Khách ít, xe lại quá nhiều dẫn tới hệ quả taxi không có điểm dừng đỗ và phải chạy vòng vo, cạnh tranh nhau giành khách.”
Mặc dù, lực lượng cảnh sát giao thông liên tục xử lý các vi phạm nhưng nhiều lái xe của các hãng taxi cũng có những “chiêu” để “né”.
Theo Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 4, lực lượng làm nhiệm vụ đang gặp quá nhiều khó khăn đối với vi phạm của xe taxi.
Dẫn chứng cụ thể, Trung tá Thái cho hay, các lái xe taxi dùng mọi thủ đoạn để trốn tránh sự kiểm tra của Cảnh sát giao thông như: Thông báo cho nhau biết bằng bộ đàm khi thấy lực lượng ra xử lý hoặc khóa cửa xe bỏ đi…
Xử lý xe “ngơ” luật giao thông
Nhằm “siết” chặt các vi phạm của taxi, theo Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Quyền Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an Hà Nội), hiện Phòng Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm này.
“Đợt ra quân lần này sẽ lập lại kỷ cương, đảm bảo nâng cao chất lượng về dịch vụ, nơi nào có taxi sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm. Nếu trường hợp nào lái xe cố tình vi phạm hoạt động, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý,” Thượng tá Thắng cho hay.
Thượng tá Thắng cũng khẳng định: “Đối với những lái xe cố tình vi phạm, bỏ xe lại, lực lượng sẽ dùng xe cẩu, kéo chuyên dụng về bãi tạm giữ, kiên quyết không để tình trạng lộn xộn tại các cổng bệnh viện, trường học vì các lỗi vi phạm của taxi.”
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, sau khi ra quân, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 217 trường hợp taxi dừng đỗ sai quy định, tạm giữ 4 ôtô, 188 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 104 trường hợp…
Đề cập đến vấn nạn taxi “dù” dừng đỗ, đi “dạo” quanh các khu vực bệnh viện, bến xe… ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận, lực lượng liên ngành cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý xe taxi “dù.”
“Khi thấy bóng dáng đoàn liên ngành thì những chiếc taxi đang đỗ tràn cả ra lòng đường sẽ đồng loạt nổ máy. Trường hợp này chúng tôi không thể đuổi theo, vì sẽ gây nguy hiểm,” ông Mạnh chia sẻ.
“Taxi 'dù' có nhiều hình thức hoạt động, phù hiệu các xe taxi này dán bằng nam châm nên có thể lôi ra dán lại được, lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Logo doanh nghiệp của chiếc xe chỉ được dán hờ trên thành xe, dễ dàng bóc ra, trong khi theo qui định là phải sơn cố định. Đây là chiêu của các tài xế taxi 'gửi' xe vào một doanh nghiệp nào đó nhằm được cấp phù hiệu, chứ không phải xe chính hãng,” ông Mạnh cho hay.
Để phân biệt taxi “dù” với các hãng xe taxi khác bằng mắt thường, ông Mạnh liệt kê yếu tố có thể nhận biết như: không có đồng phục, phù hiệu xe taxi giả, logo doanh nghiệp dán lên xe mà không sơn, đồng hồ tính tiền nhảy làm sai lệch đồng hồ khi có xung điện…/.