Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết xử lý nông sản, thực phẩm bẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông - lâm -...

Kinhtedothi - Mặc dù công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn Hà Nội đã được nâng cao đáng kể, song việc thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn những "khoảng trống" cần lấp đầy. Nếu không mạnh tay xử lý vi phạm nguồn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, Hà Nội sẽ khó lòng đảm bảo được an toàn trong lĩnh vực này.

Chưa hết nỗi lo

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn TP vi phạm về ATTP vẫn còn ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm 2014, qua kiểm tra 2.940 cơ sở, đã phát hiện 345 cơ sở vi phạm (chiếm 11,73%), với hành vi: Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, vi phạm nhãn hàng hóa, không đảm bảo ATTP trong quá trình sơ chế, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản…, Đáng lo ngại nhất, tại khu vực ngoại thành, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa được kiểm soát chặt chẽ. 
Kiểm tra chất lượng thịt tại chợ Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.     Ảnh: Quang Thiện
Kiểm tra chất lượng thịt tại chợ Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân. Ảnh: Quang Thiện
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy một lượng lớn thực phẩm như thịt, cá, gà, rau quả... không đảm bảo chất lượng. Cụ thể như thịt lợn, cá, nấm hết hạn sử dụng; thủy sản, cà chua, khoai tây không rõ nguồn gốc xuất xứ; thịt các loại không có dấu kiểm soát giết mổ buộc kiểm tra lại vệ sinh thú y... Vừa qua, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện trường hợp cơ sở kinh doanh giò chả, giăm bông tại thị xã Sơn Tây không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, sử dụng động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ông Trần Mạnh Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Nội cho biết, hiện nay, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực này tại các quận, huyện còn thiếu. Bởi vậy dẫn tới tình trạng chưa kiểm soát chặt chẽ được các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và nông sản thực phẩm. Thêm vào đó, các quận, huyện còn chậm triển khai công tác thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp Giấy chứng nhận về ATTP, nên ảnh hưởng tới công tác kiểm tra, quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và vi phạm về ATTP.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Theo ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, sau khi Luật ATTP ra đời đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng về quản lý chất lượng VTNN và nông - lâm - thủy sản giữa 3 ngành NN&PTNT, Công Thương, Y tế. Hiện nay, ở cấp TP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông - lâm - thủy sản do Sở KH&ĐT cấp phép hoạt động đã được quản lý theo Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, hầu hết số cơ sở nhỏ lẻ, nhất là tuyến quận, huyện chưa quản lý được. "Toàn TP hiện có khoảng 10.000 - 15.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông - lâm - thủy sản do cấp quận, huyện quản lý, nhưng từ trước đến nay, vẫn đang bị buông lỏng " - ông Ngọc cho hay.

Từ nay đến cuối năm, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, thống kê và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và nông - lâm - thủy sản trên địa bàn TP. Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Để việc quản lý đạt hiệu quả cao, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Nội kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành trong công tác này. Trong đó phân công, phân cấp quản lý ATTP giữa các đơn vị, tránh chồng chéo, trùng lặp.
 
Tại buổi làm việc với Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhấn mạnh, công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông - lâm - thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP quan tâm chỉ đạo. Vì vậy, Chi cục cần xây dựng quy trình, hệ thống đào tạo nâng cao nhận thức về đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tập trung thanh tra xử lý các cơ sở vi phạm nhiều lần và cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh VTNN, nông - lâm - thủy sản đảm bảo chất lượng...