Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết xử lý vi phạm đê điều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều vụ vi phạm trật tự hành lang đê điều đã có chỉ đạo xử lý, nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong khi đó các vi phạm mới vẫn phát sinh. Đó là thực trạng đáng lo ngại trong quản lý đê điều hiện nay trên địa bàn một số huyện.

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Ba Vì là một trong những điểm “nóng” về vi phạm trật tự đê điều tại Hà Nội. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, toàn huyện có 107 vụ vi phạm Luật Đê điều, tập trung tại các xã Cổ Đô, Châu Sơn, Phong Vân...

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cảnh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Ba Vì, đến nay, huyện mới giải quyết được 4 vụ (chiếm 3,7%), các vụ còn lại rất khó xử lý. Trong đó, có trường hợp của ông Nguyễn Quốc Công làm nhà trên hành lang bảo vệ kè Phong Vân từ tháng 3/2011 đến nay vẫn chưa được xử lý.

 
Kiên quyết xử lý vi phạm đê điều - Ảnh 1
Tập kết vật liệu xây dựng sai quy định trên đê tả Đáy, đoạn qua xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa.Ảnh: Thắng Văn

Tại huyện Từ Liêm, trong 11 tháng năm 2012, phát sinh 126 trường hợp vi phạm đê điều, đã tổ chức xử lý, giải tỏa 80 trường hợp vi phạm, đạt 63%. Như vậy, huyện vẫn còn 46 vụ vi phạm đê điều còn tồn đọng, tập trung chủ yếu tại các xã Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, từ năm 2008 đến hết tháng 10/2012, toàn TP có hơn 1.800 vụ vi phạm Luật Đê điều nhưng mới xử lý hơn 800 vụ. Riêng 9 tháng đầu năm 2012, xảy ra 223 vụ, song mới giải quyết 48 vụ, đạt 21,5%, còn tồn đọng 175 vụ.

Gắn trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm

Toàn TP hiện có khoảng 600km đê điều, phân bố trên địa bàn rộng nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Quang Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, hệ thống đê chạy qua nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện chính là đường giao thông dân sinh. Do đó, muốn giải tỏa triệt để các vi phạm xây dựng trên hành lang bảo vệ đê điều, TP cần quy hoạch, xây dựng hệ thống đường giao thông dân sinh, đảm bảo đời sống ổn định cho người dân. Đồng thời, đẩy nhanh việc cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê điều, chỉ giới thoát lũ làm cơ sở cho công tác quản lý.
 
Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đề xuất, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Sở NN&PTNT với các đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương trong công tác xử lý vi phạm đê điều. Trong đó, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm nhưng không được xử lý kịp thời. Ông Liên cũng đề nghị, với những vụ vi phạm điển hình nghiêm trọng đã được cơ quan chức năng kiểm tra và có ý kiến yêu cầu xử lý, TP tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết thực hiện việc giải tỏa.
 
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư nâng cấp, tu bổ công trình đê điều với các hạng mục xây dựng đường hành lang đê, dốc lên đê và nâng cấp, gia cố mặt đê nhằm đảm bảo an toàn công trình đê điều, hạn chế lấn chiếm, vi phạm. Ngoài ra, xây dựng một số vật cản để hạn chế tải trọng tại một số vị trí có nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên mặt đê.

 
Từ đầu tháng 12 đến nay, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn Luật Đê điều tại các xã trọng điểm của 4 huyện Ba Vì, Mê Linh, Từ Liêm và Ứng Hòa. Ước tính có khoảng 2.000 người dân ven đê và cán bộ các xã được tập huấn kiến thức về Luật Đê điều.