Xu hướng mang thiên nhiên vào không gian sống của mỗi chủ thể kết hợp với hệ thống cây xanh trên hè phố đang tạo ra sự hài hòa và tăng tính sinh thái trong kiến trúc cũng như nét đẹp mềm mại, tươi mới cho bộ mặt đô thị.
Từ những ngôi nhà giấu mình trong cây...Nỗ lực xanh hóa Hà Nội của chính quyền TP dường như đã truyền được cảm hứng tích cực đến hàng triệu người dân. Sự đồng điệu trong hành trình trả lại màu xanh cho Thủ đô khiến mỗi cá nhân có nhu cầu giao thoa nhiều hơn với thiên nhiên. Từ đó, khát khao được làm những công trình kiến trúc xanh thôi thúc họ.
Dạo quanh phố phường có thể thấy việc xanh hóa đã được nhân rộng bằng những công trình xanh của những người dân. Nằm trên con đường đông đúc ở quận Đống Đa, tòa nhà trưng bày sản phẩm của một công ty thu hút bởi kiến trúc khác lạ nhưng vẫn hài hòa với cảnh quan khu phố. Các bức tường bao quanh nhà được xây bằng những viên gạch thông gió dạng đất nung đỏ. Nhìn từ ngoài, ngôi nhà 5 tầng, xây trên mặt bằng 72m2 kín như bưng bởi 3 mặt đều được xây gạch, không cửa sổ. Tuy nhiên, ánh sáng vẫn phủ rợp tòa nhà bởi độ rỗ của gạch thông gió. Ở góc nhìn đứng, công trình gây ấn tượng mạnh khi mái nhà được xanh hóa bởi những bồn hoa giấy bố trí gọn gàng, che chắn ánh nắng trực tiếp xuống bê tông, giảm lượng nhiệt tác động vào nhà. Cùng điểm nhấn sắc xanh của cây cối, một căn nhà 40m2 nằm sâu trong ngõ nhỏ ở đường Hào Nam cũng dành thiết kế tối đa cho thiên nhiên: Khoảng không gian trước nhà và một khu vườn uốn lượn ngay bên hông. Cả hai công trình này đều mang dấu ấn của Võ Trọng Nghĩa – vị KTS đam mê kiến tạo mảng xanh."Nghề kiến trúc và xây dựng phát triển, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, chúng đã tàn phá môi trường, nên tôi mong muốn làm ra những công trình có thể trả lại diện tích xanh cho Trái đất này. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà còn là vấn đề chung của tất cả người dân. Cùng sự nỗ lực của TP, mọi người cần có ý thức đầu tư các mảng xanh ngay trong chính ngôi nhà mình đang ở, nếu mong muốn có được một đô thị xanh trong tương lai" – KTS Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.Nhìn ra thế giới, tại Australia, 2 TP Sydney và Melbourne cũng đã áp dụng hình thức xanh hóa mái nhà tại các trung tâm thương mại nhằm thu hút du khách, đồng thời cải thiện môi trường cho cư dân và người lao động tại đây. Chính quyền TP khuyến khích người dân trồng cây trên mái nhà và biến tường công sở thành những bức tường xanh. Hình thức trồng cây trên mái nhà cũng hết sức đa dạng, từ các hộp xốp trồng cây cỡ nhỏ và đơn giản cho tới cả khu vườn có diện tích lên tới 2.600m2 trên nóc tòa nhà MCentral ở phố Harris, khu Pyrmont, Sydney.…đến phủ xanh khu đô thịTheo các chuyên gia quy hoạch đô thị, bộ mặt Hà Nội gần đây đã thay đổi đáng kể bởi nỗ lực kỳ diệu cho việc trồng cây xanh trên các tuyến phố. Phát huy tinh thần đó, bước tiếp theo nên đưa ra quy định một số khu vực khuyến khích nhà đầu tư “xanh hóa” mái nhà các khu đô thị. Bởi, khi nhắc đến các khu đô thị xanh, vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc như khu đô thị Ecopark, Vinhomes Riverside, Làng Việt kiều châu Âu… Trong khi đó, phần lớn điểm “không đẹp” của Hà Nội thuộc khu đô thị mới quanh vùng Mỹ Đình, Láng Hạ, Lê Trọng Tấn… lại ít được cải thiện, mảng xanh vẫn thiếu tính liên kết chuỗi. Do đó, đối với những khu vực này, nên quy định nhà đầu tư muốn xây dựng các công trình phải có trách nhiệm dành phần đất cho không gian xanh để thấm, hút nước tự nhiên. Kiến trúc là công cụ để con người kết nối nhiều hơn với thiên nhiên chứ không đơn thuần chỉ có công năng đẹp hay xấu về thiết kế. Để Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn thì cần trồng thêm nhiều cây xanh và những quy hoạch mạch lạc. Vấn đề này không phải là khó mà quan trọng là có muốn làm hay không? KTS Võ Trọng Nghĩa cho rằng, với những dự án chung cư cao tầng trong các khu đô thị hiện nay, việc áp dụng giải pháp “xanh hóa” là hoàn toàn có thể. Thí dụ, bản thân chung cư cao tầng có 1.000m2 sàn/tầng thì mái công trình phải đảm bảo có 1.000m2 diện tích cây xanh. Như vậy, bố cục tòa nhà nhìn trên góc độ thẳng vẫn là khoảng không gian xanh. Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng có quy định thì một số tầng, nhà đầu tư cần thiết kế lùi vào để tăng diện tích cây xanh trên mặt đứng. Thực tế, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công với hàng loạt công trình xanh ở mọi khu vực.Ở nước ngoài, đặc biệt là Canada, nhà đầu tư vẫn có thương lượng với chính quyền. Nếu làm nhiều diện tích xanh thì được tạo điều kiện tối đa. Từ trước đến nay, quan niệm một công trình kiến trúc đẹp chỉ cần đảm bảo đủ 3 yếu tố chính là tính thẩm mỹ, tính bền vững và tính sáng tạo. Nhưng hiện tại, cần có thêm yếu tố có bao nhiêu cây xanh được trồng khi một công trình đưa vào sử dụng? Thậm chí, ưu tiên nhà và các công trình kiến trúc có diện tích xanh trong quá trình cấp phép xây dựng tại các dự án đô thị mới.
"Cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Sau đó là phải ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch. Tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh cũng là giải pháp không thể thiếu." - TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng |