Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến trúc nông thôn Hà Nội: Sáng tạo để biến thách thức thành cơ hội

KTS Trần Huy Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra khỏi nội thành Hà Nội vài cây số, giờ đây rất khó phân biệt đâu là nông thôn, đâu là đô thị. Vậy, kiến trúc, quy hoạch nông thôn Hà Nội đang ở đâu trong bức tranh chung cảnh quan đô thị, môi trường sinh thái? Cơ hội nào cho kiến trúc quy hoạch nông thôn Hà Nội định hình và phát triển?

Đường làng nông thôn mới tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Đặng Linh
Nhiều tồn tại, bất cập
Năm 2006, huyện Đan Phượng được lựa chọn là địa bàn đột phá quy hoạch xây dựng theo mô hình nông thôn mới, khởi đầu cho vùng nông thôn ven Hà Nội dần từ bỏ khung cảnh nông nghiệp truyền thống để bước sang giai đoạn đô thị hóa. Những năm tiếp theo chứng kiến thay đổi vượt bậc, đồng lúa thay thế bằng khu đô thị sinh thái, khu tiểu công nghiệp. Đan Phượng ngày nay đang chờ trở thành một quận thuộc nội thành để dứt khoát với quá khứ nông thôn của nó. Đi theo Đan Phượng là Hoài Đức, Thường Tín, Quốc Oai... và những vùng đô thị bám đường xa hơn như Chương Mỹ, Thanh Oai, Phúc Thọ.

Đáng nói ở đây tốc độ đô thị hóa khá nhanh, bởi thế kiến trúc nông thôn cũng đang dần bị phá vỡ. Những vùng vẫn còn sản xuất nông nghiệp lại đang từng bước chuyển đổi hoặc san ruộng ra làm tiểu công nghiệp như Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai. Nhiều huyện khác, ao chuôm, ruộng vườn cũng dần nhường chỗ cho nhà tầng, nhà ống... Đình chùa gỗ ngói cũng đang dần được tân trang khoác áo mới. Có một thực tế ở nông thôn hiện nay, kiến trúc theo sở thích của từng hộ gia đình, phần lớn đều lấy nguyên mẫu nhà chia lô ở đô thị; tình trạng phá bỏ nhà truyền thống để xây nhà ống khá phổ biến, bê tông hóa đường làng không đồng bộ với hệ thống thoát nước, kỹ thuật… gây tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho làng xã. Vùng nông thôn truyền thống quanh Hà Nội đang dần xa bỏ nghề nông, mô hình định cư gắn với sản xuất nông nghiệp không còn nữa. Song, mô hình ở mới này cũng đang để bà con tự xoay xở.

Nông thôn Hà Nội vốn mỗi ngôi làng là đơn vị tự cung, tự cấp và tự hoàn thiện mô hình tuần hoàn sinh thái. Khi bị phá vỡ, vùng nông thôn trở thành khu vực dễ tổn thương và ít khả năng chống chịu. Nhất là trong quá trình đô thị hóa nhanh, không chỉ đương đầu với những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thiên tai, dịch bệnh rình rập mà môi trường sống cũng bị đe dọa hàng ngày. Theo số liệu thống kê, thu gom rác tại khu vực nông thôn mới đạt 66%. Bởi thế, người dân phải sống chung với rác tại làng nghề hay sản xuất nông nghiệp, bệnh tật gia tăng là hệ quả không thể tránh khỏi.

Cần được đặt lại vị thế

Thực trạng trên đặt ra vấn đề: Làm thế nào để tạo dựng mô hình kiến trúc nông thôn Hà Nội không chỉ là nơi cư trú an toàn mà còn là không gian sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, thích ứng với những đổi thay của biến động kinh tế, chính trị và thiên nhiên môi trường toàn cầu?

Nông thôn Hà Nội có một lợi thế quan trọng cần khai thác tối đa, đó là hệ sinh thái sông hồ rất quan trọng nằm giữa sông Hồng và sông Đáy. Đây là nguồn cung cấp nước tưới và tạo nên cảnh quan nông thôn đa dạng, cũng là khởi nguồn và nuôi dưỡng các làng xóm định cư dựa vào dòng sông, hệ thống thuỷ lợi đi cùng. Quan trọng đây là chìa khóa của một Hà Nội tăng trưởng xanh – bền vững bao gồm chất lượng sống, nông nghiệp sạch và giao thông thủy chi phí thấp, không ô nhiễm cũng như cảnh quan cây xanh, mặt nước. Vùng nông thôn quanh Hà Nội còn là không gian tái tạo, tuần hoàn vật chất bao gồm nước thải, rác thải... làm giàu dinh dưỡng cho đất, đồng thời tạo không gian cân bằng nước giữa hai vùng đô thị và nông thôn .

Kiến trúc nông thôn Hà Nội giờ đây cần được đặt lại vị thế, là vùng tái tạo tuần hoàn môi trường sinh thái và cũng là vành đai thực phẩm an toàn. Mỗi thôn làng được cấu trúc thành một đơn vị ở, kết hợp sản xuất thực phẩm chất lượng cao, phục vụ cho dân sinh và cung cấp cho đô thị. Những ngôi nhà, con đường, dòng sông, thảm cỏ... không chỉ đóng vai trò đơn nhiệm vốn có mà phải trở nên đa nhiệm hơn trong bộ máy tuần hoàn sinh thái, tái chế để lọc ra những phụ phẩm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và cung cấp cảnh quan sạch sẽ, khung cảnh thiên nhiên chất lượng.

Kiến trúc nhà ở và các công trình công cộng nông thôn Hà Nội cần được nâng cấp an toàn, tiện nghi hơn, không ngừng hiện đại hóa bằng các mô hình không gian, vật liệu mới. Mỗi công trình phải là đơn vị tiết kiệm và sản xuất năng lượng. Những công trình di sản kiến trúc nông thôn ngoài chức năng bảo tồn, cần hoán đổi thành nơi sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng môi trường sinh kế mới sáng tạo và giao lưu rộng mở. Hiện, Hà Nội đã bắt đầu tham gia vào mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu, nếu lấy một thôn làng quanh Hà Nội liên kết với một khu vực dân cư nội đô để tạo nên một mối quan hệ sinh kế bền vững, bước tiến hóa của mô hình làng nghề - phố nghề mới sẽ là một ví dụ rất thuyết phục khả năng sáng tạo của Hà Nội.

Kiến trúc nông thôn vốn là tài sản quý của di sản định cư người Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử, giờ đây hơn lúc nào hết đang trở thành mỏ vàng của du lịch cảnh quan sinh thái, lịch sử văn hóa, tạo nên hấp lực sáng tạo mạnh mẽ để các kiến trúc sư kiến tạo cơ hội mới cho TP. Thông qua nhận diện rõ những khó khăn đối mặt, tích tụ đủ kiến thức đa ngành để có những tác phẩm kiến trúc quy hoạch xứng đáng, phục vụ hữu ích cho bà con nông dân và góp phần xây dựng Thủ đô trở nên giàu đẹp.