Định hướng giải quyết vấn đề sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo |
Theo số liệu mới nhất vừa công bố của Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện nay có 235 đại học và 1,76 triệu sinh viên. Với dân số hiện nay là 96 triệu thì Việt Nam đang ở mức 181 sinh viên/10 ngàn dân số, chiếm 1,81% dân số. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, có ít nhất 60 ngành đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế, trong đó chuẩn kiểm định khu vực ASEAN là ưu tiên. Tập trung 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhóm các ngành công nghiệp phụ trợ và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.
Tuy nhiên, các chương trình đào tạo hiện nay cho dù được công nhận đạt chuẩn kiểm định khu vực ASEAN, hay quốc tế cũng không thật sự đạt chất lượng phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh và cả nước. Theo PGS Nguyễn Thiện Tống - kiều bào Mỹ: “Chương trình đào tạo với những môn chuyên môn và chuyên ngành dày đặc dẫn đến việc nhồi nhét kiến thức kinh nghiệm và quy trình sản suất có sẵn”, là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên mất hứng thú học tập và không đủ năng lực nhận thức độc lập, và tư duy sáng tạo sau khi tốt nghiệp
Trong khi đó, việc dạy và học gắn liền với thực tiễn, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và quản lý, đổi mới công tác đào tạo, đáp ứng cơ sở vật chất, đề xuất các bước chiến lược mang tính hệ thống nhằm đón đầu xu hướng giáo dục tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0,…đang là những vấn đề đặt ra thách thức lớn cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
GS.TS Đặng Lương Mô - kiều bào Nhật Bản cho rằng: “Để có thể đảm bảo chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc trực tiếp thảo luận về những điểm chi tiết như áp dụng chuẩn AUN-QA, đào tạo sinh viên sao cho vừa có chuyên môn vừa có kỹ năng mềm để thích ứng được với nhu cầu của xã hội công nghiệp, nhất là để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp 4.0 thì những điều kiện “vật chất đầy đủ” gồm trường ốc với diện tích xây dựng khoảng 6-10 mét cho mỗi sinh viên, số lượng thầy cô có trình độ tiến sĩ đủ để nâng tỷ số thầy/trò khoảng 1:10 và sinh viên ưu tú chính là những điều kiện căn cơ, cấp thiết nhất hiện nay”
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì sự hợp tác, liên kết giữa các trường đại học ở các nước khác nhau là điều không thể thiếu.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - kiều bào Hàn Quốc: “Đây dù không phải là một mô hình mới, tuy nhiên, hợp tác thế nào, quá trình cùng đào tạo hay hợp tác ra sao cho hiệu quả và mang lại lợi ích nhiều nhất, thực chất nhất cho sinh viên, người học lại là vấn đề chưa bao giờ không mới”
Chia sẻ của ông cũng cho biết, hiện nay, trường đại học Incheon- Hàn Quốc đã tích cực phát triển mô hình hợp tác với các đối tác nước ngoài là các trường Cao đẳng, Đại học trong việc mở phân viện đào tạo tiếng Hàn Quốc tại trường sở tại với 5 trường đại học ngoài Hàn Quốc, trong đó Việt Nam có hai phân viện. Các phân viện này được thành lập trước hết xuất phát từ nhu cầu thực tế của các trường đại học của nước sở tại (Việt Nam), cụ thể là nhu cầu về đào tạo tiếng Hàn đạt chuẩn và thực chất. Sau đó là xuất phát từ nhu cầu tuyển sinh những sinh viên chất lượng tốt theo học tại Hàn Quốc của trường đại học Incheon, cụ thể ở đây là trình độ tiếng Hàn của sinh viên khi nhập học.
Ngoài ra, tại hội nghị, các kiều bào cũng có những thảo luận, góp ý tích cực về định hướng giải quyết vấn đề sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo. Trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng mềm tốt như ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm…, đáp ứng yêu cầu công việc của các ngành trọng điểm; các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; đặc biệt nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực ASEAN.