Trong 16 lần điều hành (tính đến thời điểm ngày 18/7), có 8 lần Liên Bộ Tài chính- Công Thương cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG); giá một số chủng loại xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm trong 8 lần điều hành. Trong đó, giá xăng được điều chỉnh tăng 5 lần.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao.
Để góp phần bình ổn giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính nhằm hạn chế mức tăng giá. Khi có dư địa giảm giá, Liên Bộ đã lập tức yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để chia sẻ hài hòa lợi ích người tiêu dùng, DN, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chia sẻ thông qua việc tạm thời chưa tính hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở của một số mặt hàng xăng dầu (thấp hơn mức 300 đồng/lít theo quy định). Liên Bộ đã cho phép sử dụng Quỹ BOG trong 8 lần điều hành.
Với kết quả này, giá một số chủng loại xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm trong 8 lần điều hành. Giá một số chủng loại xăng dầu chỉ được điều chỉnh tăng 5 lần, nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ BOG hoặc giảm một phần lợi nhuận định mức của DN. Khi giá thế giới bình quân giảm, Liên Bộ đã yêu cầu các DN rà soát phương án để giảm cho phù hợp với quy định hiện hành, như giảm giá dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madut.
Giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt, nhịp nhàng với chu kỳ tính giá là 10 ngày và chu kỳ lưu thông 30 ngày. Về thời điểm điều chỉnh giá gần đây nhất vào ngày 23/6 và 7/7 với mức tăng tổng cộng hơn 700 đồng/lít xăng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mức tăng giá đã được kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ BOG. Trong đợt điều chỉnh tăng giá ngày 7/7, do sử dụng Quỹ BOG 500 đồng nên giá xăng chỉ tăng tối đa 418 đồng/lít, thay vì điều chỉnh tăng 918 đồng/lít xăng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần khẳng định, cần thiết phải thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Thị trường xăng dầu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới, cho nên có những lúc tăng cao nhưng giảm chậm.
Tuy nhiên, với việc sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành như trích, xả Quỹ BOG; cắt giảm lợi nhuận định mức của DN... đã giảm, giãn tần suất điều chỉnh giá, tránh gây sốc cho nền kinh tế. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng dầu cần phải đảm bảo lợi ích vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng trước, sau đó đến lợi ích của DN rồi đến Nhà nước.
Ảnh minh họa.
|