Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kim ngạch xuất khẩu Hà Nội: Chuyển hướng để vượt thách thức

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Hà Nội đứng đầu cả nước. Tuy nhiên bước sang quý II/2019, nhiều ngành hàng đã có sự giảm sút.

Do đó, để XK có thể đạt mức tăng trưởng 7,5 – 8% như kế hoạch đề ra, đòi hỏi các sở, ngành và DN phải nỗ lực hơn nữa trong những tháng cuối năm.
Ghi nhận khó khăn từ nhiều ngành hàng chủ lực
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nếu như quý I/2019 kim ngạch XK của Hà Nội tăng 11,3%, đứng đầu cả nước, nhưng trong quý II XK Hà Nội chỉ tăng 6,8% khiến kim ngạch XK 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước.
DN Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới DN Nam Phi tại chương trình xúc tiến thương mại Nam Phi tháng 6/2019. 

Ảnh: Lê Nam

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, XK Hà Nội đang giảm. Phân tích về nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Trong quý II chi phí đầu vào như giá điện, xăng tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng, dẫn đến sức cạnh tranh hàng XK Việt Nam giảm sút.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên cả 2 thị trường quan trọng này đều giảm nhập khẩu. Bên cạnh đó XK của DN Hà Nội vào các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, và Hồng Kông… cũng đều giảm mạnh.
“Những tác động tiêu cực trên làm một số mặt hàng XK giảm hoặc tăng trưởng thấp như xăng, dầu giảm 0,7%, giầy dép và các sản phẩm từ da giảm 12,8%, thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh giảm 1,5%...
Đặc biệt mặt hàng điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi một trong những sản phẩm XK chủ lực của Hà Nội chỉ tăng khiêm tốn 5,9%, trong khi cùng kỳ 2018 đạt 14,2%” - ông Hải nêu ví dụ.
Trong khi đó, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng, gạo là một trong những mặt hàng XK chính của nhiều DN Thủ đô nhưng từ đầu năm đến nay giá gạo XK giảm gần 15% so với cùng kỳ. Các thị trường XK gạo chủ lực như Philippines, Indonesia chậm ra kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2019 nên nhiều DN trong nước giảm XK sang thị trường này.
Đặc biệt, năm 2019 Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu gạo và chỉ lựa chọn 22 DN Việt Nam được XK gạo vào thị trường này… “Việc mất thị trường Trung Quốc đến hết năm khiến kim ngạch XK gạo giảm sút là điều khó tránh khỏi” - ông Vượng chia sẻ.
Tìm cơ hội tận dụng các FTA
Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu XK 2019 tăng trưởng 7,5 – 8% như kế hoạch UBND TP Hà Nội đặt ra là điều không dễ dàng khi các thị trường XK thu hẹp, nhiều DN không ký kết được hợp đồng dài hạn.
Tuy nhiên, nếu như DN tận dụng được những yếu tố thuận lợi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội để tăng trưởng kim ngạch XK. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng: Thực tế cho thấy, trong nửa đầu năm kinh ngạch XK thường chỉ chiếm 45 - 48% giá trị kim ngạch XK cả năm. Nửa cuối năm sẽ là thời điểm thực hiện phần lớn các hợp đồng để đưa kim ngạch XK lớn hơn nửa đầu năm khoảng 4 - 7%.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp hỗ trợ DN tại các thị trường còn gặp khó khăn trong thanh toán như Liên bang Nga, một số nước châu Phi. Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu và cấp chứng nhận xuất xứ để tránh các biện pháp trả đũa từ Mỹ do những gian lận thương mại về xuất xứ của hàng hóa. Các hiệp hội đẩy mạnh phổ biến thông tin tới DN về những lợi ích mà các FTA Việt Nam đã ký, qua đó tránh việc hàng hóa nước ngoài lợi dụng mượn xuất xứ để hưởng lợi thuế XK với hàng hóa từ Việt Nam. " - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng

Nhưng để đạt mức tăng trưởng này đòi hỏi DN phải tận dụng được những yếu tố thuận lợi mà các FTA Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu… nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết.
Trước những khó khăn trên, UBND TP Hà Nội và ngành công thương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN đẩy mạnh XK, mở rộng thị trường. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Hiện UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường.
Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động giao thương xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, CHLB Đức, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội tổ chức các đoàn DN tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế tại châu Phi; Tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các thị trường Nhật, Pháp, Hàn Quốc... qua đó hỗ trợ DN XK hàng thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế. Đón các đoàn DN nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch tại Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2019…, qua đó hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường XK.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của TP, các DN cần chủ động nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, củng cố nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.