Vì vậy, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng từ 10 - 12% và kim ngạch đạt khoảng 239 tỷ USD, vượt xa kế hoạch 214 tỷ USD đề ra.
Giữ vững đà tăng trưởng
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước là điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép...
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá, chỉ riêng một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước như cà phê, tiêu...
Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc, Khu Công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Riêng dầu thô, tính chung 10 tháng năm nay tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,8 tỷ USD, giảm 24,8% (lượng giảm 45,4%).
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 20,8 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 9 nhưng lại tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 1,5% so với tháng 9, đạt 5,6 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu giảm 2,6%, đạt 15,17 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô).
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2018 đạt 200,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,45 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 39,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là EU đạt 34,6 tỷ USD, tăng 9,0%; Trung Quốc đạt 33,1 tỷ USD, tăng 25,1%; thị trường ASEAN đạt 20,4 tỷ USD, tăng 13%; Nhật Bản đạt 15,26 tỷ USD, tăng 10,2%; Hàn Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 23,2%.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10 đạt 20,7 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước như phân bón, cao su, thủy sản, kim loại thường, xe máy, điện tử, máy tính và linh kiện…đặc biệt là nhập khẩu dầu thô chủ yếu để phục vụ sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Theo đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 77,5 tỷ USD, tăng 12%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 116,3 tỷ USD, tăng 11,7%.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 10 tháng là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu...
Dựa vào kết quả này có thể thấy trong tháng 10 Việt Nam đã xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 10 tháng xuất siêu 6,4 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,1 tỷ USD.
Tăng tốc để về đích
Phân tích từ các chuyên gia thương mại, với trị giá kim ngạch và tốc độ tăng trưởng 10 tháng qua, nhiều khả năng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ chạm ngưỡng 239 tỷ USD và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.
Cũng theo các chuyên gia, việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của xuất khẩu, các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tới 89% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước cũng đang phục hồi mạnh mẽ.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, trong những tháng tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo sự phục hồi của nhu cầu thế giới.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Ngoài ra, mới đây, Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức cũng sẽ đến khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng diễn ra sâu rộng khắp thế giới.
Các nước áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...
Giá nông sản đã tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá trong năm 2018 không còn nhiều.
Với những diễn biến thị trường như vậy, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, kim ngạch đạt khoảng 239 tỷ USD; trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6%; Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5%.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong hai tháng còn lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để chủ động trong việc điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cùng với đó, chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng.
Hơn nữa, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA; tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước; tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn./.