Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh Du lịch chụp giật sẽ lĩnh hậu quả xấu

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, khách Trung Quốc đến Khánh Hòa, Hội An, Đà Nẵng (Việt Nam) tăng đột biến, góp phần tăng doanh thu cho ngành công nghiệp không khói nhưng cũng gây không ít hệ lụy.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết: “Nếu có đủ chứng cứ xác thực, Tổng cục Du lịch sẽ có văn bản gửi Cục Du lịch Trung Quốc để thông tin và đề nghị xử lý nghiêm những DN lữ hành Trung Quốc đưa những đối tượng có hành vi sai trái vào Việt Nam”.

Kiên quyết xử lý

Xin ông cho biết đánh giá của Tổng cục Du lịch trước tình trạng khách Trung Quốc ồ ạt vào một số địa phương của Việt Nam ?

- Lâu nay, thị trường Đông Bắc Á nói chung, trong đó có Trung Quốc luôn là thị trường truyền thống, có lượng khách lớn đến Việt Nam và còn rất nhiều tiềm năng. Trong những năm qua, Việt Nam đã xúc tiến, quảng bá và xây dựng được mối quan hệ với Cục Du lịch Trung Quốc trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Đảng và Nhà nước hai bên. Việc lượng khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy phần nào thành công của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng của mình, khách Trung Quốc đã gây ra những hệ lụy và phản cảm cho điểm đến. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng từng gặp phải. Đối với trường hợp một số địa phương phát triển quá “nóng” thị trường Trung Quốc, trước đây là Quảng Ninh, sau đó là Khánh Hòa, Đà Nẵng, quan điểm của Tổng cục Du lịch là cần tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, siết chặt hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn, hoạt động hướng dẫn viên (HDV)… nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của khách Trung Quốc.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng cục Du lịch sẽ làm gì để chấn chỉnh tình trạng HDV du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” và xuyên tạc lịch sử Việt Nam?

- Quan điểm của Tổng cục Du lịch là nếu phát hiện ra những sai phạm, đến mức cần phải xử lý thì kiên quyết xử lý nghiêm. Vừa qua, kiểm tra tại Khánh Hòa, Tổng cục Du lịch đã phát hiện Công ty Du lịch Silent Bay có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc kinh doanh lữ hành nên đã quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của công ty này. Đồng thời, có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Cục A85 tiến hành xem xét xử lý đối tượng người nước ngoài lao động bất hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời có công văn gửi Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị xem xét chấm dứt việc tiếp nhận du khách của Silent Bay để đảm bảo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước được thực thi nghiêm.

Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo Sở Du lịch Đà Nẵng gỡ băng thu thập được để kiểm tra thông tin báo chí nêu về việc HDV du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” xuyên tạc lịch sử và địa lý của Việt Nam. Nếu xác minh đúng như báo chí nêu thì Tổng cục Du lịch sẽ đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Công an TP cùng với Sở Du lịch TP xử phạt hành chính đối với những cá nhân, DN Việt Nam có liên quan. Bên cạnh đó, yêu cầu trục xuất những công dân trên khỏi Đà Nẵng. Mặt khác, Tổng cục Du lịch đang thu thập chứng cứ, nếu đầy đủ bằng chứng, Tổng cục Du lịch, sẽ có văn bản gửi Cục Du lịch Trung Quốc để thông tin về nội dung này. Đồng thời, đề nghị Cục Du lịch Trung Quốc xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành Trung Quốc đưa đối tượng có hành vi sai trái vào Việt Nam. Tôi tin rằng, Cục Du lịch Trung Quốc sẽ ủng hộ Tổng cục Du lịch Việt Nam trong vấn đề này.

Cùng với đó, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị rà soát lại hoạt động lữ hành trên địa bàn. Nếu phát hiện DN Việt Nam có hành vi tiếp tay cho DN Trung Quốc để làm dịch vụ du lịch giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng HDV Trung Quốc thì kiên quyết xử lý. Nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì thu hồi giấy phép. Đồng thời, trục xuất những đối tượng người nước ngoài đang hoạt động du lịch bất hợp pháp tại Khánh Hòa.

Công tác dự báo thị trường bị động

Việc sử dụng HDV Trung Quốc tại các điểm đến của Việt Nam là vi phạm Luật Du lịch hiện hành, nhưng tại sao một số đơn vị lữ hành vẫn cố tình “lách luật”, thưa ông?

- Thực tế, một số địa phương đang thiếu HDV, đặc biệt là những HDV tiếng hiếm. Việc khách Trung Quốc ồ ạt vào Nha Trang, Đà Nẵng khiến các địa phương này càng hiếm HDV. Vì không muốn mất khách, một số đơn vị lữ hành buộc lòng “lách luật”. Liên quan đến việc này, Tổng cục Du lịch vừa ký công văn gửi tất cả các Sở VHTT&DL, Sở Du lịch trên toàn quốc rà soát lại toàn bộ công tác HDV du lịch. Nếu phát hiện ra những thiếu sót trong quản lý, cấp phép, sử dụng HDV du lịch nước ngoài chui để từ đó có cách chấn chỉnh. Mặt khác, qua đó, nắm bắt nhu cầu về HDV của địa phương để tìm giải pháp điều chỉnh. Địa phương nào còn thiếu đội ngũ HDV du lịch thì đề nghị phối hợp với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, đào tạo bổ sung lực lượng HDV du lịch nhằm kịp nắm bắt nhu cầu của thị trường. Tổng cục cũng chỉ đạo những địa phương này căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch để phân loại khách. Từ đó thiết kế dòng sản phẩm giá hợp lý cho khách Trung Quốc, đồng thời vừa có các sản phẩm du lịch đẳng cấp để phục vụ những thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Quan điểm của Tổng cục là đa dạng hóa nguồn khách, không tập trung vào một thị trường nhằm tránh trường hợp bất ổn, dòng khách không còn, hoạt động du lịch cũng không bị hụt hẫng.

Có phải sự thiếu hụt HDV tiếng Trung Quốc ở một số địa phương là do công tác dự báo thị trường của ta còn kém?

- Đúng vậy, do dự báo kém, không chuẩn bị chu đáo nên được đội ngũ HDV tiếng Trung của tỉnh Khánh Hòa thiếu trầm trọng. Đây là bài học về công tác quản lý, dự báo và đào tạo HDV hiện nay. Trong đó, trách nhiệm của các trường đào tạo rất lớn. Bỏi, nếu đào tạo không theo nhu cầu của thị trường thì nguồn lực đã đào tạo ra bị thừa, trong khi số HDV đang thiếu lại không biết để đào tạo. Về phần mình, Tổng cục Du lịch thừa nhận là việc định hướng, dự báo lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa có phần bị động.

Không được “bỏ rơi’ những thị trường khác

Có một thực tế khiến các DN du lịch Việt Nam đau đầu, đó là việc  DN lữ hành Trung Quốc “ôm” phòng khách sạn tại Khánh Hòa khiến khách nội địa không thể đặt phòng, giá phòng lại bị đẩy lên cao. Có cách nào gỡ khó được vấn đề này không, thưa ông?

- Hiện nay, đối với tour du lịch trọn gói, đơn vị lữ hành phải tính toán đầy đủ chi phí, báo giá và du khách mua tour sẽ được hưởng đầy đủ dịch vụ trọn gói. Nhưng, một số DN Việt Nam không sử dụng hình thức này mà chỉ cung cấp một số dịch vụ, còn tour lại cho DN Trung Quốc điều hành. Đây là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, theo kiểu “chăn dắt”. Thậm chí, những DN này còn ép khách du lịch đến một số cơ sở mua sắm để hưởng tiền hoa hồng nhằm bù lại tiền giá tour thấp. Sự tiếp tay của người Việt và DN Việt dẫn tới tình trạng các tour này chất lượng không cao, ngay cả du khách Trung Quốc cũng bị thiệt thòi. Thậm chí, còn có tình trạng DN lữ hành Trung Quốc dẫn du khách đến những cửa hàng do người Trung Quốc điều hành và mua bán bằng đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, vụ việc này nằm ngoài thẩm quyền xử lý của ngành du lịch, cần có sự vào cuộc của lực lượng Công an.

Sau khi dòng khách Nga sụt giảm mạnh ở Khánh Hòa, một số DN Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội, đến làm việc với các DN Việt Nam, cụ thể là các khách sạn ở Khánh Hòa. Các khách sạn này do đang ở tình thế vắng khách, nên đã chấp nhận bán dịch vụ với giá rẻ để có khoản tiền “nuôi” bộ máy hoạt động nhằm chờ cơ hội phục hồi. Họ chấp nhận bán trước dịch vụ cả năm, thậm chí 2 năm liền cho các DN Trung Quốc. Vì họ đã chót ký hợp đồng với DN Trung Quốc bao trọn gói cả năm trời, nên, khi khách đông trở lại, các DN Việt Nam và Trung Quốc muốn ký hợp đồng với giá cao hơn cũng không được, vì khách sạn không thể hủy hợp đồng đã ký trước đó. Chính tư duy kinh doanh chộp giật, nhận thức chưa thấu đáo của DN du lịch Việt Nam, cụ thể là khách sạn, dẫn đến tình hình bất cập nói trên.

Vậy, các điểm đến có nên đầu tư nguồn lực phục vụ lượng lớn khách Trung Quốc không, thưa ông?

- Nói đến khách Trung Quốc là nói đến dòng khách bình dân. Tổng cục Du lịch đã có chỉ đạo, bên cạnh các điều kiện vật chất, các cơ sở lưu trú, các dịch vụ đón khách Trung Quốc, chúng ta không thể bỏ được những dòng khách Tây Âu, Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Bởi, đây là dòng khách có chi tiêu cao, lưu  trú dài ngày, có nguồn thu lớn. Theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta định hướng xây dựng ngành du lịch có chất lượng cao, đẳng cấp để thu hút nguồn chi tiêu và lưu trú dài ngày. Đây cũng là bài học chúng ta rút ra từ du lịch Thái Lan. Sau một thời gian đón lượng lớn du khách Trung Quốc, “xứ sở chùa vàng” đã thấm hệ lụy từ thị trường khách này nên đã chuyển hướng đầu tư chiến lược phát triển du lịch sang “con đường” khác. Tuy nhiên, vấn đề này phải thực hiện đồng bộ từ cấp vĩ mô đến sự nhập cuộc của các DN và sự đồng thuận của chính quyền địa phương mới có thể làm được.

Xin cảm ơn ông!