KTĐT - “Ngày nào chợ sim cũng có hàng nghìn, hàng vạn người đăng. Hôm nào mình lỡ không đăng là tin của mình bị chìm xuống trang 10, 11 ngay. Mà có ai đủ kiên nhẫn xem tận trang đó chứ vì thế, hôm nào vừa ngủ dậy mình cũng phải ‘ăn sáng’ bằng món rao sim đã”.
Không mặt bằng, không vốn, không mất quá nhiều thời gian, kinh doanh sim số đẹp đang thu hút khá nhiều sinh viên.
Cứ đúng 8h sáng hàng ngày, Hùng - sinh viên năm thứ hai đại học Thủy Lợi lại vào một trang rao vặt miễn phí để đăng tin về lô số mới của mình. “Ngày nào chợ sim cũng có hàng nghìn, hàng vạn người đăng. Hôm nào mình lỡ không đăng là tin của mình bị chìm xuống trang 10, 11 ngay. Mà có ai đủ kiên nhẫn xem tận trang đó chứ vì thế, hôm nào vừa ngủ dậy mình cũng phải ‘ăn sáng’ bằng món rao sim đã”, Hùng chia sẻ. Hùng cho biết, vì rao vặt miễn phí nên nhiều người mua và bán có nhu cầu về sim số đẹp thường vào trang này.
Duy - sinh viên trường Đại học Thương mại (Hà Nội) chuyên rao bán các sim VIP trên mạng. Cậu này cho biết, phương thức thanh toán là chuyển tiền vào tài khoản hoặc Duy sẽ đến tận nơi nhận tiền. Sau một hoặc hai hôm kể từ khi thanh toán, người mua sẽ nhận được sim. Trường hợp khách chưa quen, Duy có thể viết giấy đảm bảo hoặc để lại thẻ sinh viên. Khi việc giao sim hoàn tất, sinh viên này sẽ đến lấy lại thẻ.
Còn Minh Vũ, sinh viên năm cuối Đại học Giao thông, đã kinh doanh sim số đẹp 3 năm cho biết, những ngày đầu mới đi buôn sim đẹp trên mạng thì vô cùng chật vật. Khách muốn đấu ‘con’ nào, Vũ đều phải “dã bọn mép” thuyết phục để họ đưa tiền trước. “Nếu không thì lấy đâu ra tiền để lên hãng đăng ký chứ. Nhưng giờ cũng tạm ổn rồi, làm lâu tạo được nhiều mối quan hệ, cứ đấu trước rồi cuối tháng thanh toán cả cục cũng được”, Vũ tiết lộ.
Nhìn lại 3 năm đi buôn sim trên mạng, cậu sinh viên này nói: mỗi năm làm lại thấy dễ hơn. Thứ nhất, mối quan hệ cũng nhiều lên. Thứ hai, nhu cầu về sim số đẹp ngày càng tăng.
“Mỗi sim ngày tháng năm sinh, mình cũng kiếm được 50.000 đồng, những sim VIP thì nhiều hơn chút. Trước mình bán lẻ, mỗi sim lãi nhiều hơn. Giờ dưới mình có nhiều “đệ” nên chỉ lãi mỗi ‘con’ ít thôi, lấy số lượng làm chính. Mỗi tháng cũng kiếm được đôi triệu, đủ trang trải cuộc sống sinh viên ngoại tỉnh của mình”, Vũ nói.
Còn Huy Văn, sinh viên đại học Xây dựng, một trong những “chân rết” của Vũ giãy bày, nghề này tưởng dễ nhưng cũng chẳng “ngon ăn”. Cùng một bảng sim thì có cả trăm người rao, người nào có duyên thì mới bán được. Do mới làm, trừ chi phí xăng xe, điện thoại, Văn chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.
“Kinh doanh mặt hàng không có giá này cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười lắm. Có lần, mình gặp ông khách mua con 090XXX3456, mình bảo 3 triệu, thấy ông ý lặng thinh, mình tưởng ông ý chê đắt. Ai dè, khách kêu giá rẻ, không phải sim đẳng cấp nên không thèm mua”, Văn kể lại.
Vũ tâm sự về nghề buôn sim đẹp trên mạng: “Gọi là kiếm được thì cũng lo đủ cơm sinh viên thôi, chứ mấy ai ra trường mà vẫn trụ với nghề này. Nghề này thu nhập thất thường, lãi lại lắt nhắt nên được đồng nào ‘xào’ đồng ấy. Cuối năm tốt nghiệp, mình vẫn muốn xin một công việc ổn định chứ không sống bằng nghề này được”.