70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh doanh trong ngõ nhỏ vẫn hút khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nằm sâu trong những con ngõ ngoằn ngoèo, chật chội, nhiều cửa hàng vẫn thu hút lượng khách khá đông. Trong thời buổi hàng hóa đua nhau tăng giá, bí quyết của họ là chất lượng và giá cả.

KTĐT - Nằm sâu trong những con ngõ ngoằn ngoèo, chật chội, nhiều cửa hàng vẫn thu hút lượng khách khá đông. Trong thời buổi hàng hóa đua nhau tăng giá, bí quyết của họ là chất lượng và giá cả.

Trong ngõ nhỏ trên đường Khương Thượng, hai xe máy đi phải khéo léo tránh nhau, quán ốc gia truyền nhà bà Lương lúc nào cũng nườm nượp khách. Khách đến đây thường phải gọi điện đặt chỗ trước. Ông Đặng Trần Phong, chồng của bà Lương cho biết: “Tới quán tôi, nhiều người đi ô tô thì phải gửi ngoài Đình Làng và đi bộ vào để thưởng thức nhưng vẫn đông nghẹt khách. Lắm hôm không có chỗ ngồi, tôi đành phải ra xin lỗi và mời khách hôm khác lại đến”. Trung bình, mỗi ngày nhà ông bán từ 5-7 yến ốc nhồi, cao điểm có những ngày lên đến hơn 10 yến.

Giải thích việc có lượng khách lớn nhưng không mở thêm cơ sở ngoài mặt tiền, ông Phong tâm sự: “Làng Khương Thượng xưa nay vẫn nối tiếng với món ốc và nhái. Quán kinh doanh hơn 20 năm nay nên đã có thương hiệu, chuyển địa điểm ra ngoài có khi lại mất tính chất cổ truyền. Thêm nữa, ra ngoài thuê cửa hàng thì giá sẽ không thể bình dân được như vậy nữa”.

Cũng vì lý do kinh tế, chủ tiệm giày dép trong con ngách nhỏ nằm ở ngõ 364 Thái Hà kể, ngày trước chị Nga cũng thuê cửa hàng trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Sau Tết, họ báo tăng tiền mướn từ 6 triệu lên 7 triệu mỗi tháng nên chị chuyển về nhà bán. Chị Nga bộc bạch: “Giá hàng mỗi ngày một tăng, tiền mượn cửa hàng cũng đội lên, mà người tiêu dùng thì thắt chặt chi tiêu nên mình mà tăng giá thì khó bán. Về nhà, bớt được nhiều khoản, hạ giá xuống, khách lại đông hơn”.

hẻm
Giá thuê mặt bằng cao khiến nhiều chủ kinh doanh không trụ nổi. Ảnh: Xuân Ngọc

Về điều này, chị Nga đưa ví dụ, nếu mỗi đôi giày chị nhập 150.000 đồng thì khi bán ngoài cửa hiệu mặt đường, giá tối thiểu phải là 300.000 đồng mới đủ chi trả tiền nhà, điện, nước, thuế và sinh hoạt hàng ngày. Chuyển về nhà, bớt được một khoản đáng kể đó nên nhập 150.000 đồng, chị chỉ cần bán 250.000 cũng lãi hơn trước.

Theo gia đình ông Phong, điều cốt lõi để hút khách là chất lượng sản phẩm và dịch vụ. “Dù giá cả có biến động thế nào thì đồ ăn vẫn phải đảm bảo tươi ngon, sạch. Khách đã đặt lịch hẹn trước thì đông đến mấy cũng sẽ được phục vụ nhanh chóng. Không gian tuy có chật nhưng luôn được bài trí đẹp”.

Đặc biệt, loại hình kinh doanh tại gia trong những con ngách, hẻm nhỏ còn được áp dụng phổ biến với những bạn có nghề tay trái là kinh doanh qua mạng. Gọi điện hẹn đến xem hàng của Linh, người bán quần áo o­nline, chúng tôi được bạn hẹn là cứ đến đầu ngõ Văn Chương (Khâm Thiên, Hà Nội). Chỗ bán hàng của Linh phải đi xe vào con hẻm ngoằn nghèo, chật chội đến 10 phút mới đến nơi.

Cô giải thích: “Vì là làm thêm những lúc không phải đến trường, vốn cũng không nhiều, hàng hầu như bán cho những người có thu nhập bình dân nên cũng không thuê cửa hiệu. Bán trong khu dân cư kiểu này dễ, nhiều khách hàng còn thích mua, họ có cảm giác được mua giá rẻ, tận gốc”.

Tuy nhiên, kinh doanh trong hẻm, ngách cũng gặp không ít phiền phức khi ngõ là ngõ chung, kinh doanh lại là việc riêng. “Nhiều khi khách đến đông, để xe chật lối đi lại, ồn ào nữa nên cũng bị hàng xóm than phiền. Đặc biệt là với những cửa hàng ngõ quá sâu hay ngoằn nghèo, nhiều khi khách được bạn dẫn đến một lần, lần sau muốn quay lại mua nhưng không nhớ lối hay địa chỉ để vào”, chị Nga tâm sự.

Thêm nữa, để trở nên hút khách, ngoài những yếu tố như chất lượng và giá cả, các cửa hàng trong ngõ cũng cần “thâm niên”. “Ban đầu mới chuyển vào hẻm, khách có thể không đông. Nhưng sau một thời gian, người này mách người kia thì nhiều khách mới biết đến”, ông Phong nói.