Càng gần đến Tết, việc sản xuất rượu bằng “công nghệ siêu tốc” càng tăng tốc để kịp phục vụ các quán nhậu, quán ăn bình dân.
Chúng tôi được Đ., một đầu mối chuyên nhập rượu về Hà Nội, tiết lộ: để rượu có mùi thơm, nhiều chủ nấu rượu thường cho thêm một lát sâm hoặc chút hương liệu vào ngâm khoảng 1 - 2 ngày. Rượu làm ra có màu đẹp, trong vắt sẽ được đóng vào chai nhựa 250 ml hoặc can 5 - 10 lít để phân phối khắp các quán ăn bình dân tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Theo chỉ dẫn của Đ., chúng tôi tìm tới làng Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh).
“Công nghệ” nước lã pha cồn
Dọc theo con đê ngăn lũ đi vào xã Tam Đa, nhà cửa xây san sát cao bằng mặt đê. Tới đầu thôn Đại Lâm đã ngửi thấy mùi men rượu, hương liệu bốc lên nồng nặc. Hàng trăm thùng phuy nhựa màu xanh, cáu bẩn nằm lăn lóc trước cửa các gia đình chờ bơm rượu để “xuất” về Thủ đô.
Bà M., chủ quán nước đầu thôn Đại Lâm, cho biết rượu chỉ được chủ hàng sản xuất khi đã có đơn đặt hàng. “Dịp Tết này, mỗi ngày có hàng chục xe tải chở rượu đi bán tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận”, bà M., nói.
Đi bộ dọc thôn Đại Lâm để quan sát, chúng tôi nhẩm đếm sơ sơ có hơn chục gia đình bày thùng phuy cáu bẩn trước cửa nhà. Do diện tích chật hẹp nên bất cứ khoảng trống nào trên mặt đê cũng trở thành địa điểm tập kết thùng phuy. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an xã Tam Đa, trước đây, những chiếc thùng phuy này chuyên dùng đựng cồn sản xuất rượu.
Suốt buổi sáng, những ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè đóng cửa im ỉm. Chỉ đến đầu giờ chiều, việc làm rượu mới được một số hộ gia đình thực hiện trên mặt đê. Nước giếng được máy bơm hút đầy vào các thùng phuy nhựa xếp trên đê. Sau đó được pha cồn, hương liệu vào theo nồng độ nhất định. Người pha chế dùng cây tre khoắng đều “hợp chất” trong khoảng 10 - 15 phút là được một thùng rượu 220 lít.
Khi trời sâm sẩm tối cũng là lúc hàng chục xe tải nhỏ chạy về thôn Đại Lâm “ăn” hàng. Chỉ cần làm phép toán đơn giản, có thể thấy mỗi ngày có hàng nghìn lít rượu được pha chế bằng “công nghệ” trên xuất đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Theo dân buôn rượu, mỗi thùng phuy được giao bán tại Hà Nội với giá hơn 1 triệu đồng (khoảng gần 5.000 đồng một lít).
Ảnh hưởng đến uy tín làng nghề
Ông Nguyễn Văn Lai, Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa, cho biết, thôn Đại Lâm có truyền thống nấu rượu nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Bản thân ông Lai cũng từng tham gia hội chợ ẩm thực tại Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) và giành giải thưởng về nấu rượu. Chất lượng rượu sắn, rượu gạo do dân làng Đại Lâm nấu không thua kém gì rượu làng Vân ở huyện Việt Yên, Bắc Giang (hai làng ở cách nhau con sông Như Nguyệt).
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an xã Tam Đa, do chính quyền xã không có chuyên môn để kiểm định nên khó có thể xử lý việc sản xuất rượu bằng cồn pha nước lã, và cũng khó để quy kết đây là hành vi sản xuất rượu giả. “Thị trường biến động cùng với việc "phát triển" nghề rượu theo cách đó đã khiến hơn 60% các hộ tại thôn này bỏ nghề nấu rượu”, ông Quý nói. Theo ông Quý, sở dĩ người tiêu dùng khó phát hiện rượu được làm bằng cồn pha nước lã là do nhiều cơ sở dùng loại cồn hoa quả có mùi vị rất thơm. Theo đó, cứ một lít cồn hoa quả pha với nước sẽ “chế” được 2,2 lít rượu 40 độ.
“Chúng tôi đã kiểm tra nhiều xe chở rượu về Hà Nội nhưng chủ hàng đều xuất trình đầy đủ giấy phép kinh doanh và hóa đơn đã nộp thuế nên không thể xử phạt”, ông Kiều Thanh Tình, Đội trưởng Đội quản lý thị trường huyện Yên Phong, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, cho biết.
Theo bác sĩ Dương Đình Phúc, Phó chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh (Bệnh viện Quân đội 354), việc sử dụng rượu bằng “công nghệ” cồn pha nước lã có tác hại cực kỳ nguy hiểm đối với người sử dụng, như phá hủy nhiều cơ quan trong cơ thể như gan, tủy xương, dạ dày, đặc biệt là hệ thần kinh. Đây còn là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… |