Vừa tổ chức đám cưới theo nếp sống mới được 2 tháng, anh Bùi Văn Hiến (SN 1988), ở tổ 5, phường Phú Lãm, quận Hà Đông cho biết, đám cưới của anh chỉ tổ chức với hình thức rất đơn giản, gọn, nhẹ nên chi phí giảm đáng kể, chỉ khoảng 20 triệu đồng. "Tôi thấy tổ chức như vậy vừa vui và ý nghĩa. Quan trọng là sau đó, gia đình không còn phải lo trả nợ" - anh Hiến tâm sự.
Đám cưới theo nếp sống văn minh của vợ chồng anh Diêm Đình Hùng và chị Đỗ Thu Hằng do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Đám cưới như của anh Hiến đã không còn xa lạ đối với người dân phường Phú Lãm. Bà Nguyễn Thị Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Lãm cho biết, phường có hơn 500 hội viên nông dân. Đến nay, gần 100% gia đình hội viên đều thực hiện việc cưới văn minh, mỗi đám tổ chức không quá 40 mâm (mỗi mâm không quá 6 người). Còn về việc tang, nhiều thủ tục rườm rà cũng đã được loại bỏ. Năm 2012, tỷ lệ gia đình hội viên nông dân có người mất thực hiện tang văn minh của phường Phú Lãm chiếm tới trên 83%.
Những năm gần đây, do tác động của đô thị hóa, quận Hà Đông có một lượng lớn dân cư ở nơi khác về sinh sống, kéo theo nhiều phong tục, tập quán khác nhau, trong đó có không ít tập tục lạc hậu. Khắc phục điều này, tháng 1/2009, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Chương trình 06/CTr-QU về việc tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa. Đây là chương trình thiết thực, phù hợp với thực tế nên được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đến nay, việc thực hiện những quy định nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn quận Hà Đông đạt 87,7%, việc tang đạt 97,9%.
Nhiều hình thức tuyên truyền
Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đi vào nền nếp, các tổ chức Hội Nông dân trên địa bàn quận Hà Đông đã tuyên truyền, vận động hội viên dưới nhiều hình thức. Đơn cử, tại phường Phú Lãm, các chi, tổ hội đã lồng ghép việc triển khai nếp sống văn minh vào các cuộc họp giao ban, sinh hoạt thường kỳ. Đồng thời, thường xuyên, liên tục tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của phường tới các khu dân cư. Đặc biệt, trong các buổi giao lưu văn nghệ quần chúng, Hội Nông dân phường còn dàn dựng vở kịch "Cuốn sổ nợ đời" để nói về hậu quả của tổ chức tiệc cưới, tang linh đình. Nhờ đó, các hội viên nông dân nắm bắt được chủ trương rất nhanh.
Bà Đỗ Thị Năm, Chủ tịch Hội Nông dân quận Hà Đông cho biết thêm, công tác tuyên truyền được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hàng năm, Hội Nông dân quận chỉ đạo Hội Nông dân các cơ sở triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tới cán bộ, hội viên, nông dân. Đến nay đã có 100% hộ hội viên nông dân cam kết thực hiện các nội dung này.
Cùng với đó, tại các khu dân cư, trước khi biết gia đình có đám cưới, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân phối hợp với Tổ trưởng tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể khác đến nhà vận động các hộ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh. Tương tự, khi gia đình nào có việc tang, ban vận động cũng đến tận nhà tuyên truyền thực hiện theo nếp sống văn minh. Ngoài ra, để chương trình đi vào cuộc sống, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải được nâng cao để làm gương cho người dân, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.