Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Ba Vì một năm nhìn lại

Bài, ảnh: Đức Tính - Hồng Lịch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm Bính Thân 2016 đã qua, huyện Ba Vì cũng trải qua nhiều thuận lợi khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Song, với sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ba Vì đã vươn lên tạo được những điểm nhấn nổi bật, đưa kinh tế của huyện phát triển ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân.

Dấu ấn trong lãnh đạo điều hành

Điểm nhấn rõ nét nhất của Ba Vì trong lộ trình phát triển kinh tế trong năm 2016 được thể hiện ở phương pháp chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nhiều Nghị quyết có tính đột phá và Nghị quyết chuyên đề được ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đó là việc phát triển nền nông nghiệp đa dạng gắn với việc dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng kinh tế tập trung. Chương trình lúa gieo sạ ổn định, giảm chi phí, tăng năng suất, giải phóng sức lao động và tăng giá trị thu nhập cho người nông dân. Đó là việc 80% diện tích đất sản xuất đã được cơ giới hóa khâu làm đất. Huyện đã hỗ trợ nông dân các xã Tòng Bạt, Sơn Đà, Vật Lại, Minh Quang, Khánh Thượng, Thụy An nguồn vốn 300 triệu đồng thực hiện gieo cấy khảo nghiệm thành công giống lúa chất lượng cao đạt trung bình 65tạ/ha. Khảo nghiệm thành công giống khoai tây solara cho năng suất cao, thu nhập 250 - 270 triệu đồng/ha tại xã Phú Cường. Các Chương trình hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu tương, khoai tây cho năng suất cao đã giúp Nhân dân thay đổi tập quán dùng lúa phẩm cấp thấp sang gieo cấy lúa có chất lượng cao.

Sản xuất rau an toàn tại xã Chu Minh.

UBND huyện phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại thị trấn Tây Đằng, các xã Chu Minh và Minh Châu, theo lộ trình tăng dần về diện tích, năm 2016 là 15ha, năm 2017 là 30ha và năm 2018 là 60ha. Mô hình che nilon để sản xuất rau trái vụ với 2ha tại xã Sơn Đà. Vùng núi và đồi gò được chỉ đạo phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả theo mô hình kinh tế vườn đồi và kinh tế trang trại. Hiện, trên địa bàn huyện hình thành 386 trang trại sản xuất tập trung. Nhân dân đã trồng và cải tạo được trên 526,5ha cây ăn quả các loại cho năng suất và chất lượng cao, trồng rừng đạt 245% kế hoạch. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 1.780ha chè đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu khá ổn định cho các nhà máy chế biến chè ở địa phương. Người dân xã Ba Trại đã được hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thay thế 50ha chè già cỗi bằng giống chè mới LDP1 góp phần duy trì và bảo vệ thương hiệu chè Ba Vì không chỉ ở thị trường trong nước mà còn được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.

Hỗ trợ phát triển nhiều mô hình hiệu quả

Gia đình bà Hoàng Thị Sen, thôn 8, xã Ba Trại có gần 1ha chè trồng đã lâu năm, cằn cỗi cho sản lượng thấp. Năm 2016, gia đình được hỗ trợ trồng thay thế bằng giống chè mới LDP1 theo quy trình Vietgap. Theo bà Sen, ngoài việc hỗ trợ giống, các gia đình còn được hỗ trợ cả thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công phun thuốc. “Nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cây chè phát triển nhanh. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 10 tấn/ha/năm là chè sạch nên bán rất chạy” - bà Sen cho biết. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm của Ba Vì tiếp tục phát triển cả về số lượng và sản lượng. Do chủ động trong khâu phòng dịch nên nhiều gia đình đã mạnh dạn phát triển đàn gà, trong đó có chăn nuôi gà đồi, nuôi con đặc sản cho giá trị thương phẩm cao như lợn rừng, đà điểu, dê, thỏ... Toàn huyện hiện có gần 700 trang trại chăn nuôi. Trong đó, đàn bò sữa với hơn 7.500 con. Đặc biệt, đàn bò BBB trên địa bàn huyện đang được phát triển mạnh trong các hộ gia đình, với tổng đàn 10.500 con.
 Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản ở Ba Vì.
Nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao cũng đã và đang được áp dụng khảo nghiệm trong năm 2016, như mô hình 1.000 con gà an toàn sinh học ở các xã Thái Hòa, Đông Quang. Mô hình 300 đôi bồ câu Pháp sinh sản tại xã Ba Trại, Tản Hồng… Hoạt động chăn nuôi thủy sản cũng được duy trì và phát triển với diện tích 1.648ha. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được tổ chức thực hiện mạnh mẽ trong các cụm điểm công nghiệp và trong 17 làng nghề. Công tác khuyến công, truyền nghề, nhân cấy nghề tiếp tục được duy trì góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Chương trình “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM) đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Năm 2016, Ba Vì có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại cũng đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu về đích NTM theo kế hoạch. Lộ trình phát triển du lịch của huyện tiếp tục có những bước tiến vững chắc. Nhờ tích cực đầu tư, quảng bá tiếp thị nên doanh thu từ du lịch của huyện trong năm 2016 đạt trên 8.690 tỷ đồng, tạo bước đột phá để du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Điểm lại một vài nét trong lĩnh vực kinh tế mà Đảng bộ và Nhân dân Ba Vì đã đạt được trong năm 2016 để thấy rằng, phía sau những con số khô khan ấy ẩn chứa bao cố gắng, mồ hôi, công sức, trí tuệ, nhiệt huyết cũng như sự trăn trở của hàng vạn cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân trong huyện. Đó chính là sự đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Huyện ủy vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế của TP và của quê hương Ba Vì. Mặc dù đây là năm bản lề nhưng không kém phần quan trọng tạo đà cho năm 2017, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Bằng sự cố gắng, tinh thần đoàn kết của toàn dân đã tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần đưa tổng giá trị sản xuất của huyện trong năm 2016 đạt trên 21 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Mọi hoạt động, sản xuất dù gặp nhiều khó khăn nhưng đều đạt hiệu quả tốt.

Ông Nguyễn Văn Hải  Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ba Vì


Chương trình phát triển chăn nuôi bò BBB do Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc TP phối hợp với Phòng Kinh tế huyện và địa phương triển khai thực hiện cho thấy tính hiệu quả. Hiện, toàn xã có 1.125 con bò BBB, thực tế có nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá giả từ chăn nuôi bò BBB.

Ông Chu Danh Hảo - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đà


10 điểm nhấn nổi bật:

- Phát huy hiệu quả 09 Chương trình, mô hình tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp;

- Tỷ lệ cơ giới hóa làm đất đạt 80% diện tích;

- Đàn bò BBB phát triển mạnh tăng 3.200 con so với năm 2015;

- Thay thế, trồng mới 50ha chè giống mới năng suất cao và an toàn sinh học;

- Phát huy thương hiệu Khoai lang Đồng Thái, Miến dong Minh Hồng, Chè Ba Trại, Sữa Ba Vì; gà đồi Ba Vì

- Trồng rừng đạt 245% kế hoạch;

- Có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới;

- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 15% so với cùng kỳ;

- Doanh thu từ du lịch và dịch vụ du lịch tăng 15% so với cùng kỳ.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,11% (đạt chỉ tiêu TP giao).