Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế châu Á tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong báo cáo Triển vọng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang tên "Duy trì sức bật: Sự thận trọng và cải cách" được công bố ngày 28/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ gấp hai lần so với các nước phát triển trong năm nay.

Tăng cường khả năng phục hồi

Theo IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế tại châu Á sẽ giữ nguyên ở mức 5,4% trong năm 2014 và 5,5% trong năm 2015, trong đó, tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nhanh gấp 3 lần. Đà tăng trưởng ấn tượng này là nhờ các nhu cầu từ bên ngoài châu Á sẽ tăng cùng với sự phục hồi tại các nền kinh tế phát triển, trong khi nhu cầu nội địa vẫn duy trì ổn định tại hầu hết các nơi trong khu vực.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde.           Ảnh: AP
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh: AP
Các chuyên gia của IMF nhấn mạnh, khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã tăng cường khả năng phục hồi trước các mối đe dọa toàn cầu và tiếp tục là nguồn động lực đối với nền kinh tế toàn cầu. Thông qua việc bám sát tiến trình cải cách, châu Á đã sẵn sàng ứng phó với những thử thách trước mắt, đồng thời đảm bảo vai trò dẫn đầu tăng trưởng trên toàn cầu.

Bốn nguy cơ

Tuy nhiên, IMF cảnh báo, châu Á sẽ đối mặt với tình trạng lãi suất cao hơn, cũng như những mối nguy cơ liên quan đến dòng chảy vốn, sự bất ổn của giá trị tài sản với việc thắt chặt thanh khoản sắp tới trên toàn cầu và những mối nguy cơ đến từ bên ngoài nền kinh tế khu vực, như việc đột ngột thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu. Theo IMF, việc thanh khoản toàn cầu được siết chặt là một trong bốn nguy cơ chính mà châu Á sẽ phải đối mặt năm nay và năm sau. Các nguy cơ khác gồm đà tăng trưởng chậm lại mạnh hơn dự báo của Trung Quốc, hiệu quả yếu kém trong các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Nhật Bản, những căng thẳng chính trị và địa chính trị có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, thách thức với chính quyền Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu lục trong năm nay là vấn đề kìm hãm tăng trưởng tín dụng, nhất là khu vực tín dụng “đen” và giảm thiểu rủi ro đối với ngành tài chính mà không khiến tăng trưởng kinh tế thụt lùi. Trong khi đó, với Nhật Bản, mũi tên thứ 3 trong chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe là cải cách cấu trúc cần phải được nhanh chóng thực hiện để tránh rơi vào giảm phát và tăng trưởng trì trệ.

Trước những nguy cơ đó, IMF cho rằng, các nhà hoạch định chính sách châu Á phải đẩy nhanh các thay đổi về cấu trúc, giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư và ổn định tình hình tài chính trong ngắn hạn để đảm bảo khu vực tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu và ứng phó lại với bất ổn khi Mỹ giảm dần các gói kích thích tiền tệ.