Xuất khẩu vẫn là điểm nhấn
Tháng 1, một số ngành công nghiệp có mức tăng tích cực như: Khai thác quặng kim loại tăng 34,3%; Dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 30,2%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 15%; Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 10,1%... Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, như: Alumin tăng 2,8%, sữa tươi tăng 3,7%, thủy hải sản chế biến tăng 1,4%, Phân urê tăng 4,4%, thép cán tăng 1,7%, thép thanh, thép góc tăng 23,5%, điện thoại di động tăng 10,4%... Đáng lưu ý, chỉ số sử dụng lao động của DN công nghiệp tăng 2,1%, trong đó khai thác quặng kim loại tăng 6,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,3%…
Xuất khẩu giảm ít hơn tỷ lệ giảm về thời gian làm việc (14,3% so với 20%). Một số mặt hàng tăng khá, như: Than đá (440,5%); dây điện và cáp điện (30,3%); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (25%); điện tử, máy tính và linh kiện (5,6%); sản phẩm mây tre cói thảm (8,9%); gỗ và sản phẩm gỗ (1,4%). Nên mới qua 1 tháng, đã có 6 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên (điện tử, máy tính và linh kiện 2,6 tỷ USD, dệt may 2,6 tỷ USD, điện thoại và linh kiện 2,55 tỷ USD, giày dép 1,6 tỷ USD...).
Theo khu vực thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng khá cao (32,8%), trong khi nhập khẩu từ thị trường này giảm (7,1%), nên nhập siêu từ đây tuy lớn nhất, nhưng đã giảm so với cùng kỳ (2,5 tỷ USD so với 3,9 tỷ USD). Xuất khẩu sang Mỹ bị giảm (7,6%), trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng (5,4%), nhưng đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất (4,8 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng số) và có mức xuất siêu lớn nhất, tuy có bị giảm so với cùng kỳ (3,6 tỷ USD so với gần 3,8 tỷ USD). Với EU, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 (2,6 tỷ USD), nhưng đã giảm khá sâu và lớn hơn tốc độ giảm nhập khẩu (30,8% so với 6,5%), nên mức xuất siêu đã giảm so với cùng kỳ (1,4 tỷ USD so với gần 2,5 tỷ USD). Với Nhật Bản, Việt Nam xuất siêu, nhưng mức xuất siêu thấp hơn (0,1 tỷ USD so với gần 0,8 tỷ USD), do xuất khẩu bị giảm (15,8%), trong khi nhập khẩu tăng (2,7%). Với Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sâu hơn nhập khẩu (29,3% so với 22,8%), nên nhập siêu đã giảm so với cùng kỳ (1,9 tỷ USD so với gần 2,2 tỷ USD). Với ASEAN, nhập siêu cao hơn cùng kỳ (0,8 tỷ USD so với trên 0,2 tỷ USD), do xuất khẩu giảm sâu hơn nhập khẩu (34,8% so với 10,8%).
Sản xuất phụ kiện động cơ xe ô tô tại Công ty TNHH Kefico Việt Nam, khu công nghiệp Đại An, Hải Dương. Ảnh: Huy Hùng |
Tháng 1, vốn đầu tư từ ngân sách tăng khá ngay từ tháng khởi đầu là dấu hiệu tích cực. Các Bộ, ngành tăng có: Bộ GD&ĐT, Công Thương, NN&PTNT, GTVT. Tỉnh, TP tăng có Đắk Lắk, Phú Yên, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Nam. Tuy nhiên, so với cùng kỳ giảm có các bộ, ngành như: Y tế, TN&MT, VHTT&DL, Xây dựng, KH&CN, TT&TT; các tỉnh, TP giảm gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm còn thấp (cả nước là 4,2%, T.Ư là 3,8%, địa phương là 4,3%).
Vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký đạt 5,3 tỷ USD, tăng 179,5%, trong đó đăng ký mới đạt 4,5 tỷ USD, tăng 454,1%, điều chỉnh và bổ sung đạt 334 triệu USD, giảm 1,9%. Những đối tác có quy mô lớn là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những địa bàn có quy mô khá là Bạc Liêu, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Phòng,… Lượng vốn FDI thực hiện đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng rất cao, do duy trì được đà tăng từ cuối năm trước. Tăng so với cùng kỳ đạt được ở tất cả các châu lục, trong đó châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất (77,4%), tăng cao nhất (39,9%); châu Phi tuy có ít khách nhưng tăng cao thứ hai (22%); châu Mỹ (chiếm 6,3%), tăng cao thứ ba (19%). Mới qua 1 tháng, đã có 9 nước và vùng lãnh thổ có trên 50.000 lượt người đến Việt Nam, đông nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đài Loan, Thái Lan, Australia, Malaysia. Tuy nhiên, dịch viêm phổi bắt nguồn từ Trung Quốc sẽ tác động đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
CPI tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 tăng 1,23%, so với tháng 1/2019 tăng 6,43%. Đây là tốc độ tăng cao so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ 7 năm qua. Yếu tố chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao (tương ứng là tăng 2,6% và 14,45%). Tới đây, giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng, nhất là giá rau…