Trong báo cáo Đánh giá kinh tế tạm thời vừa công bố ngày 28/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi nhờ sự dẫn dắt của kinh tế Mỹ và Nhật Bản, song cuộc khủng hoảng tiếp diễn ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang làm Eurozone có phần tụt lại sau.
Theo báo cáo trên, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản - dự kiến tăng trưởng 2,4% trong quý 1/2013 và 1,8% trong quý 2.
Mức tăng trưởng dự báo tương ứng với các nền kinh tế Mỹ là 3,5% và 2%, Canada 1,1% và 1,9%, Nhật Bản 3,2% và 2,2% và Anh 0,5% và 1,4%.
Trong khi đó, dự báo được đưa ra cho Eurozone là tăng 0,4% và 1%, song có sự khác biệt lớn giữa ba nền kinh tế hàng đầu khu vực.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: euobserver.com)
Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức được dự báo sẽ tăng trưởng 2,3% và 2,6%, nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp sẽ giảm 0,6% trước khi tăng 0,5%, còn nền kinh tế lớn thứ ba là Italy giảm 1,6% và sau đó sẽ tăng 1%.
Trong khi đó, bên ngoài OECD, các nền kinh tế mới nổi vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của các nền kinh tế phát triển. Bởi sự đóng góp đáng kể vào kinh tế thế giới, các nền kinh tế mới nổi sẽ lại trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế trên quy mô toàn cầu.
OECD dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức trên 8% trong nửa đầu năm 2013.
OECD chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế yếu cùng với niềm tin bị giảm sút có thể gây khó khăn hơn cho mục tiêu hạ tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu, khi tình hình thị trường việc làm ở khu vực này tiếp tục xấu thêm và ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng.
Nhiệm vụ cải cách thị trường việc làm lúc này càng cấp bách hơn để có thể tạo thêm việc làm. Bên cạnh đó, những hành động chính sách mạnh mẽ vẫn là cần thiết để đảm bảo sự phục hồi vững chắc hơn, đặc biệt là ở Eurozone.
Tại Mỹ, Cục Dữ trữ Liên bang đã cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp cho đến khi thị trường việc làm có sự cải thiện rõ rệt, song sự cần thiết của các biện pháp tiền tệ mạnh mẽ hơn đã giảm bớt.
Trong khi chính sách kích thích ở Nhật Bản vẫn cần được tiếp tục để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và tiến tới mục tiêu lạm phát 2%.
Ở Eurozone, khu vực này cũng cần nới lỏng chính sách tiền tệ hơn, khi nhu cầu vẫn yếu và lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu./.