Kinhtedothi - Kinh tế Hà Nội 11 tháng giữ ổn định và tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần trong các tháng cuối năm; các ngành dịch vụ phát triển ổn định; kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng khá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế ở mức thấp. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt dự toán được giao; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện…
Công nghiệp - dịch vụ tăng trưởng khá
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 11 và 11 tháng năm 2015, kinh tế TP tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng ước đạt 1.753 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch XK đạt hơn 10,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có tốc độ tăng khá cao là nhóm hàng thủy tinh tăng 8%, hàng dệt may tăng 15,3%, giày dép và các sản phẩm từ da tăng 9,2%, XK hàng nông sản tăng 6%..
Chỉ số phát triển công nghiệp 11 tháng tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá so với mức tăng bình quân chung như: Sản xuất trang phục tăng 23%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 26,8%, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 25,1%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 38,2%... Đây là những nhân tố chủ yếu tác động đến mức tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp, do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn và là ngành sản xuất chủ lực của TP. Đáng chú ý, trong tháng 11, nhiều sản phẩm tăng do bắt đầu vào thời vụ sản xuất tích lũy hàng phục vụ Tết Nguyên đán sớm hơn năm trước như bánh quế, bánh kem xốp tăng 23,8%, kẹo cứng, kẹo mềm tăng 66,7%, bia đóng lon tăng 110,5%...
Những yếu tố tích cực giúp giá cả hàng hóa ổn định trong tháng 11 là nguồn cung hàng hóa tiếp tục được ổn định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở mức thấp và TP đã tổ chức nhiều chương trình lớn như: Triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; chương trình liên kết vùng và kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành khác; đưa hàng Việt về nông thôn, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô... đạt được kết quả tốt. Tháng 11 cũng là thời điểm Sở Công Thương chọn là Tháng Khuyến mại Hà Nội với 31 điểm vàng là các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, các nhãn hàng may mặc lớn trên địa bàn TP phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy thị trường…
Nổi bật, chương trình kết nối ngân hàng và DN đã hỗ trợ tích cực về nguồn vốn do DN đầu tư đổi mới trang thiết bị, mua sắm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường, là mô hình để nhân rộng ra cả nước. Theo đó, hiện đã có 9 tổ chức tín dụng đăng ký các gói tín dụng, với tổng hạn mức đăng ký trên 11.700 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 9.379 tỷ đồng (lãi suất từ 4,4% - 7,5%), vay dài hạn 2.372 tỷ đồng (lãi suất từ 5,99% - 10%). Ngoài ra, hiện có 2 DN đăng ký tham gia chương trình theo hình thức không tạm ứng vốn.
Trong tháng 11, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 1% so với tháng trước và 18% so với năm 2014, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,2% và 9,8%, dư nợ trung, dài hạn tăng 0,7% và 32,2%.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, nông nghiệp, chăn nuôi, du lịch, tổng huy động vốn, thu ngân sách Nhà nước... tiếp tục chuyển biến tích cực, đã mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế TP ở những tháng cuối năm. Thống kê mới nhất, tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng trên địa bàn TP đạt 87,4% dự toán, bằng 116,9% so với cùng kỳ.
Vận tải, xây dựng đáp ứng nhu cầu người dân
Trong tháng 11, giá cả thị trường tiếp tục ổn định. CPI tháng 11 tăng nhẹ 0,04% so với tháng trước và tăng 0,76% so với cùng kỳ. CPI tháng này tăng là do tăng giá nước sạch khiến cho chỉ số giá nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,37% so với tháng trước. Có một số nhóm hàng hóa giảm như thực phẩm, rau củ, quả, nhóm giao thông giảm 0,42% do giá xăng trong tháng được điều chỉnh 2 lần vào ngày 19/10 và 3/11…
Hoạt động kinh doanh vận tải đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, đồng thời cung cấp đủ lượng vật tư hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ; vận tải hành khách tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng đạt 19.842 tỷ đồng, bằng 92,3% so với cùng kỳ và đạt 98,4% kế hoạch năm. Nhiều công trình đã bàn giao mặt bằng thi công và tiến hành tổ chức thi công như Dự án xây dựng đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái), riêng tuyến đường chính dự kiến hoàn thành việc thông xe kỹ thuật trong tháng 12 tới. Hoặc công trình cầu vượt đô thị nút giao Bắc Thăng Long - Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, đây là một trong những công trình trọng điểm của TP được khẩn trương thi công hoàn thành vượt tiến độ 5 tháng nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI.
Bám sát khả năng cung cầu
Theo kế hoạch đề ra của TP Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12 là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính, tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DN, rà soát loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn hoàn thành công trình trọng điểm, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, trách nhiệm, có hiệu quả các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đúng quy trình, chỉ đạo của ngành; Hoàn thành chỉ tiêu định lượng về số nợ thuế phải thu trong tháng cuối năm…
Trong tháng 12, tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán là vấn đề chủ yếu, vì vậy các mảng chủ yếu của tháng này là nội thương, ngoại thương, vận tải và thị trường giá cả. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2015 và Tết Bính Thân 2016; Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và DN sản xuất, phân phối hàng hóa trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác này. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn TP đạt khoảng 15.000 tỷ đồng. UBND TP cũng quyết định tạm ứng vốn trên 236 tỷ đồng cho 10 DN để tích trữ 7 nhóm hàng thiết yếu bao gồm: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn và rau củ tươi phục vụ bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân những ngày cuối năm 2015.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị như Big C, Vinmart, Fivimart, Intimex, Hapro, Citimart... tăng dự trữ bán ra các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cuối năm và chuẩn bị hàng Tết. Các trung tâm thương mại lớn mới đưa vào khai thác như Lotte Mart, Vincom Center Nguyễn Chí Thanh, trung tâm thương mại AEON Mall... có kế hoạch để thu hút và đón Nhân dân đến vui chơi, mua sắm trong dịp Tết.
Trong công tác chống hàng gian, hàng giả, đặc biệt tại 240 chợ truyền thống, các sở, ngành phối hợp với hội phụ nữ và ban quản lý chợ hình thành kế hoạch hướng dẫn, vận động tiểu thương và người tiêu dùng không tham gia mua, bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Từ mức tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, các DN sản xuất, kinh doanh, các làng nghề trên địa bàn TP đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 10 - 15% so với các tháng thường trong năm, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội năm 2016, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Để làm được việc này, TP yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND các quận, huyện để nắm bắt lại khả năng cung ứng và kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa nhằm góp sức bình ổn thị trường.