Tín dụng ngược dòng
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 2/2015, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng 0,96%. Đây là những con số khá bất ngờ, bởi tín dụng tháng 2 mấy năm gần đây đều tăng trưởng âm, trong đó, tháng 2/2014, tín dụng giảm tới 1,67%. Trên địa bàn Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2015, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 1.027.383 tỷ đồng, tăng 1,65% so với 31/12/2014. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 745.040 tỷ đồng, tăng 0,65%, dư nợ ngắn hạn chiếm 50,78% so với tổng dư nợ và giảm 0,12%, dư nợ trung và dài hạn chiếm 49,22% và tăng 1,46%.
Nguyên nhân khiến tín dụng tăng bất ngờ trong tháng 2/2015 được các chuyên gia kinh tế phân tích là do nền kinh tế đã có bước phục hồi. "Nhiều DN đang kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế" - TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đánh giá.
Báo cáo triển vọng kinh tế tháng 3/2015 của Ngân hàng HSBC vừa công bố cũng đánh giá, nhu cầu vốn
của Việt Nam đang phục hồi với tốc độ ổn định. Doanh số bán lẻ trong tháng 2 tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014 ở mảng dịch vụ và du lịch, đánh dấu mức tăng 11,4% từ đầu năm tới nay. Tương tự, nhập khẩu cũng tăng mạnh, đạt mức 16,3% so với đầu năm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng cao.
Bên cạnh đó, việc mặt bằng lãi suất cho vay đang giảm mạnh cũng là "liều thuốc" giúp tín dụng có thêm cơ hội tăng trưởng. Hiện, các ngân hàng đang tìm nhiều giải pháp tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, hiện, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 10%/năm với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Một số NHTM tiếp tục đưa ra các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất thấp khoảng 6%/năm.
Doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng sản xuất
Đại diện một số DN cho biết, trong năm 2014, họ chủ yếu tập trung vào duy trì sản xuất, cố gắng giữ công ăn việc làm cho người lao động. Năm 2015, kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh đã được DN nghĩ đến vì kinh tế trong nước và thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi.
Năm 2014, Tổng Công ty May Đức Giang đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng 30%. Năm nay, với nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, tổng công ty này đang kỳ vọng sẽ đạt mức xuất khẩu cao hơn những năm trước. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, một nhà máy mới với quy mô hơn 1.000 công nhân sẽ sớm được khánh thành.
Tương tự, Công ty thép Bắc Việt cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất. Không thuận lợi như may mặc, thép là một lĩnh vực khó khăn. Sau khi lựa chọn, Công ty thép Bắc Việt đã chuyển sang cơ khí và sản phẩm tự chọn. Năm 2015, lãnh đạo Công ty cho biết sẽ tiếp tục hướng đi này một cách thận trọng, trong đó có kế hoạch tiếp tục mở rộng và đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, thậm chí DN này còn mạnh dạn chuẩn bị đưa một nhà máy mới vào hoạt động…
Với những tín hiệu tốt từ nền kinh tế cũng như cộng đồng DN, nhiều ngân hàng kỳ vọng, tín dụng năm 2015 sẽ lạc quan.
Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải
|
Khi cầu tín dụng tăng lên, DN phục hồi thì tín dụng sẽ theo đó đi lên. Chúng tôi kỳ vọng, năm 2015, tín dụng sẽ bứt phá. Ông Rahn Wood - Giám đốc Dịch vụ bán lẻ VIB |