Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Quý IV/2016: Nặng phần xuất khẩu, nhẹ gánh nhập khẩu

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Xuất, nhập khẩu là yếu tố quan trọng của tăng trưởng, còn là một nội dung quan trọng của cán cân thanh toán - một nội dung của cân đối kinh tế vĩ mô.

Kết quả 9 tháng cho thấy, nhiệm vụ quý IV về xuất khẩu (XK) khá nặng khó vượt qua, nhưng nhập khẩu và nhập siêu lại khá nhẹ.
Nhiệm vụ xuất khẩu nặng hơn
Với tốc độ tăng cả năm theo nhiệm vụ đề ra (10%) và với mức thực hiện trong 9 tháng, tính ra nhiệm vụ trong quý IV phải tăng 19,1% - cao gấp 2,9 lần tốc độ tăng của 9 tháng.
Nặng ở quy mô tuyệt đối bình quân một tháng. Tính toán từ nhiệm vụ cả năm và ước thực hiện 9 tháng, thì quý IV, kim ngạch XK bình quân một tháng phải đạt xấp xỉ 16,77 tỷ USD, nhưng trong 9 tháng chưa có tháng nào đạt được mức này mà chỉ đạt trên 14,22 tỷ USD. Dự đoán bình quân quý IV có thể đạt mức trên 15 tỷ USD.
 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Minh Dũng
Từ kết quả 9 tháng và dự đoán khả năng đạt được trong quý IV thì cả năm 2016, kim ngạch XK có thể đạt xấp xỉ 173,22 tỷ USD. Nếu dự đoán đó là đúng, thì bình quân một tháng vẫn còn ở dưới mức 14,44 tỷ USD. Nếu dự đoán đó là đúng, thì tốc độ tăng thực tế năm 2016 đạt 6,8% sẽ thấp hơn tốc độ tăng của năm 2015 (7,9%) và thấp xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (10%). Về quy mô tuyệt đối chỉ đạt 97,1%, hay thấp hơn trên 5 tỷ USD.
Nhẹ phần nhập khẩu
Từ mục tiêu tăng trưởng XK (10%) và nhập siêu (bằng 5% XK), có thể tính ra mức nhập siêu theo mục tiêu năm 2016 là 8,92 tỷ USD, tính ra kim ngạch nhập khẩu năm 2016 “được” là 187,24 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2015; bình quân một tháng 15,6 tỷ USD.
Với kết quả thực hiện trong 9 tháng, có thể tính ra nhiệm vụ còn lại trong quý IV (61,8 tỷ USD). Theo đó, nhiệm vụ trong quý IV được coi là rất nhẹ: “Được” tăng tới 48,1% so với cùng kỳ; bình quân một tháng “được” nhập khẩu 20,6 tỷ USD.
Dự đoán nhập khẩu quý IV sẽ tăng trở lại (khoảng 4%). Dự đoán mức nhập khẩu bình quân một tháng trong quý IV cao hơn mức đã đạt trong 9 tháng trước (khoảng 14,5 tỷ USD so với 13,9 tỷ USD) do nhu cầu cuối năm thường cao hơn.
Dự đoán cả năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 168,9 tỷ USD. Nếu dự đoán trên là đúng, thì so với năm trước tăng 2% - vừa thấp xa so với tốc độ tăng của năm trước (12%) và thấp xa so với tốc độ tăng tính từ mục tiêu (13%). Mức bình quân một tháng là 14 tỷ USD - thấp hơn nhiệm vụ gần 1,6 tỷ USD. Từ đây có thể suy ra dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn chưa đạt được 3 tháng nhập khẩu - ranh giới an toàn tài chính quốc gia.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm nay “được” nhập siêu trên 8,9 tỷ USD, bằng 5% tổng kim ngạch XK hàng hóa. Do 9 tháng không những không nhập siêu, trái lại đã xuất siêu gần 2,76 tỷ USD (bằng 2,2% kim ngạch XK), nên nhiệm vụ quý IV còn “được” nhập siêu tới gần 11,7 tỷ USD (bằng 23,2% tổng kim ngạch XK). Tuy nhiên, do XK tiếp tục tăng, nhập khẩu tăng thấp hơn, nên Việt Nam sẽ tiếp tục xuất siêu trong quý IV (1,8 tỷ USD), bằng 4% tổng kim ngạch XK. Tính ra cả năm sẽ xuất siêu gần 4,4 tỷ USD, bằng 2,5%; ngược chiều so với năm 2015 (nhập siêu 3.454 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu 2,1%) và được coi là vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội. Cần lưu ý, cơ quan soạn thảo kế hoạch, các cơ quan thẩm định và việc đưa vào Nghị quyết Quốc hội từ mấy năm nay đều chưa thật sát thực tế về nhập khẩu, nhập siêu...