Kinhtedothi - Nền kinh tế của Singapore vốn phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, cộng thêm sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, nhiều khả năng sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với thị trường lao động cũng như sự tăng trưởng kinh tế và lạm phát của quốc đảo sư tử này.
Kinh tế của quốc đảo sư tử đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ vốn chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế và cung cấp gần 72% tổng số việc làm của Singapore, đang có dấu hiệu ngưng trệ, với mức tăng trưởng 1,7%, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Và như vậy, những nỗi lo về nền kinh tế, chất lượng cuộc sống, mức thu nhập và việc làm ngày càng trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc đảo sư tử đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm với 3,1% vào tháng 6/2016, điều này phản ánh tình trạng yếu kém của nền kinh tế. Vừa qua, đại diện Bộ Thương mại Singapore tuyên bố phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2016, sau khi số liệu cho thấy trong quý II nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo trước đó. Nền kinh tế Singapore được dự báo sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, yếu nhất kể từ 2009. Nếu như dưới thời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Singapore khiến nhiều cường quốc phải ghen tị (GDP bình quân đầu người của Singapore đạt 50.000 USD). Thì nay, nhịp độ tăng trưởng kinh tế Singapore trong quý I/2016 khá khiêm tốn cùng với triển vọng thương mại - xuất khẩu ảm đạm và tình trạng trì trệ của lĩnh vực dịch vụ càng báo hiệu viễn cảnh kém sáng sủa của nền kinh tế đảo quốc sư tử. Việc Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore thông báo các biện pháp nới lỏng tiền tệ chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Singapore đang trì trệ. Trước những khó khăn về kinh tế trong nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vẫn ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đối với vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Lý Hiển Long nhận định, đây là “một tuyên bố mạnh mẽ” về pháp luật quốc tế trong tranh chấp hàng hải. Những bình luận trên có thể không ảnh hưởng đến hướng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines - Trung Quốc, bởi Singapore không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những nhận xét trên có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Singapore - Trung Quốc. Bởi, thứ nhất trong vài thập kỷ qua, Singapore và Bắc Kinh đã có quan hệ chặt chẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Thứ hai, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Các chuyên gia kinh tế cũng không loại trừ một cuộc suy thoái toàn diện đối với nền kinh tế Singapore, mặc dù phần lớn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Như vậy, rõ ràng quốc đảo sư tử này đang phải vật lộn với nhiều thách thức khó khăn. Với những thách thức trên, buộc Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ phải đưa ra các biện pháp, chiến lược kích cầu kinh tế để duy trì sự thịnh vượng cũng như nền tảng kinh tế vững mạnh được xây dựng từ thời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho thế hệ tương lai.