Vốn tư nhân giảm, nhập siêu tăng
Vốn đầu tư có từ 3 nguồn: Khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nguồn vốn từ khu vực kinh tế Nhà nước chủ yếu là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) và vốn từ DN Nhà nước trong tháng 1 là 16.175 tỷ đồng, đạt 4,9% kế hoạch cả năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó T.Ư đạt 3.192 tỷ đồng, đạt 4,8% kế hoạch, tăng 9,2%; địa phương đạt 12.983 tỷ đồng, đạt 4,9% kế hoạch, tăng 15,1%. Những bộ, ngành, tỉnh, TP đạt cao hơn tỷ lệ chung có Bộ GTVT 6,3%, Bộ Y tế 6,5%, Bộ VHTT&DL 6,1%, Bộ Xây dựng 5,9%, Bộ Công Thương 5,0%, Hà Nội 5,5%, Nghệ An 8,6%, Vĩnh Phúc 8,3%, Hải Phòng 5,1%. Trong khi có một số bộ, ngành, tỉnh, TP còn đạt thấp như Bộ NN&PTNT 4%, Bộ TN&MT 4,2%, Bộ GD&ĐT 4,5%, Bộ KH&CN 3,5%, TP Hồ Chí Minh 1,5%, Đồng Nai 3,9%... Nguồn vốn từ DNNN được trông nhằm vào cổ phần hóa và thoái vốn, kỳ vọng năm nay sẽ đẩy mạnh hơn nhiều so với năm trước, nhất là thoái vốn (dự kiến gấp 6,5 lần).
|
Dây chuyền sản xuất motor điện tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam. Ảnh: Danh Lam |
Nguồn vốn từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chưa có số liệu tháng, chủ yếu thông qua khởi nghiệp. Số DN đăng ký thành lập mới có 10.839, tăng 20,6%, với số vốn đăng ký 98,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Số DN quay trở lại hoạt động có 4.587, giảm 17,6%. Tuy nhiên, số DN giải thể 13.300, tăng 0,1%. Nguồn vốn FDI đăng ký đạt 0,899 tỷ USD, giảm 36,8%, trong đó đăng ký mới 0,493 tỷ USD, giảm 64,4%, tăng vốn 0,457 tỷ USD, tăng 155%.
Tốc độ tăng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đã tăng rất cao, một phần do đà cao lên trong những quý cuối năm 2017, một phần do số gốc so sánh của đầu năm trước ở mức thấp. Hơn nữa, Tết âm lịch năm nay đến muộn, thời gian sản xuất đủ hơn và sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao lên. Trong 4 ngành công nghiệp, IIP của công nghiệp khai khoáng tăng (10,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng khá cao (23,8%); công nghiệp điện tăng khá (15,4%), công nghiệp nước tăng 6,8%)… Tuy nhiên, rất khó để duy trì được tốc độ tăng cao như cả năm trước của công nghiệp chế biến, chế tạo (14,5%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 9,6%; nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,38%. Đây là những tốc độ tăng thuộc loại cao và sẽ tiếp tục cao lên trong năm nay.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19 tỷ USD, tăng rất cao (33,1%). Tăng trưởng đạt được ở cả hai khu vực: Trong nước đạt 5,41 tỷ USD, tăng khá cao (31,6%); khu vực FDI đạt 13,59 tỷ USD, tăng 33,7%, chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi tháng 1 nhập siêu 300 triệu USD. Những thị trường nhập siêu lớn là Hàn Quốc 2,9 tỷ USD, Trung Quốc 1,2 tỷ USD, ASEAN 0,9 tỷ USD, Nhật Bản 0,2 tỷ USD.
CPI cần tiếp tục được kiểm soátCPI sau một tháng của tháng 1/2018 (tức là tháng 1/2018 so với tháng 12/2017) cao hơn tốc độ tăng của tháng 1/2017 (tăng 0,51% so với tăng 0,46%).
CPI sau một năm thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (tăng 2,65% so với tăng 5,22%), trong đó chủ yếu do giá thuốc và dịch vụ y tế tăng thấp chỉ bằng một nửa (tăng 28,83% so với mức tăng 56,97% - đặc biệt dịch vụ y tế tăng 38,71% so với tăng 79,4%), giá giáo dục tăng thấp hơn (tăng 6,82% so với tăng 10,35%, riêng dịch vụ giáo dục tăng 3,94% so với tăng 11,96%). Đây là cơ sở để kiểm tra tiến độ thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm (4%). Tuy nhiên, nếu cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần thì năm nay sẽ có xu hướng cao lên trong các tháng tới. Hơn nữa, năm nay cũng có nhiều yếu tố làm cho CPI bình quân có xu hướng cao lên, trong đó đáng kể là do thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ trên cơ sở hạ lãi suất, giá thế giới tăng, tỷ giá tăng; tăng trưởng tín dụng cao làm cho dư nợ tín dụng/GDP đã vượt quá 120%...q