70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế thế giới đã “ngấm đòn” của QE3?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định ban hành gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), phương thuốc giải cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây ra những tác dụng phụ cho các thị trường toàn cầu.

Việc FED quyết định đẩy nhanh tốc độ của các máy in tiền và Ngân hàng T.Ư Nhật Bản bổ sung gói kích thích trị giá 128 tỷ USD đã bơm vào thị trường một dòng tiền mặt lớn, đủ sức để quét sạch những thành quả mà các nền kinh tế mới nổi đạt được trong thời gian qua. Hiện tỷ giá đồng Real của Brazil, đồng Peso của Mexico, đồng Zloty Ba Lan, đồng Won Hàn Quốc đã tăng do các động thái làm suy yếu đồng nội tệ của Mỹ, Nhật Bản và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu nhằm gia tăng lợi thế xuất khẩu. Tại Trung Quốc, dù đồng Nhân dân tệ (NDT) chưa phải chứng kiến những cú sốc mạnh trên thị trường tiền tệ, nhưng sự sụt giá của đồng USD sớm hay muộn cũng sẽ khiến NDT tăng giá cao, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của nước này.
 
Kinh tế thế giới đã “ngấm đòn” của QE3? - Ảnh 1
Chủ tịch Cục dự trữ Liên banh Mỹ (FED) Ben Bernanke.

Trung Quốc vẫn đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ khi nắm giữ tới gần 1.200 tỷ USD trái phiếu Chính phủ và vẫn tiếp tục tiến hành các thương vụ đầu tư. Bằng biện pháp in thêm tiền, Washington đã thực hiện nước cờ mà các chuyên gia khẳng định là vô cùng "cao tay" vì chủ động giảm giá trị các khoản nợ mà Bắc Kinh đang nắm giữ. Hệ quả tất yếu là đến thời hạn thanh toán, Trung Quốc sẽ nhận được ít hơn rất nhiều khoản tiền đã bỏ ra để mua lại các món nợ của Mỹ. Tuy chưa có kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng việc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc liên tiếp bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng thoát khỏi tình trạng đói vốn cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dễ đổ vỡ hơn chúng ta tưởng. Đặc biệt, việc chỉ số chứng khoán Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua trước khi thị trường đóng cửa nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh (từ ngày 1/10) đã phản ánh sự mất niềm tin của các nhà đầu tư vào việc nước này có thể duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. 

Sau khủng hoảng tài chính 2008, các đồng tiền đã không thể chung sống hòa bình với nhau và tạo nên một thời kỳ sóng gió trên thị trường thế giới mà các chuyên gia gọi là "chiến tranh tiền tệ". Và những diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây, sẽ buộc các quốc gia từ châu Mỹ Latinh như Barazil, Mexico đến châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan phải tự cứu lấy mình bằng cách bơm tiền để giảm dần sự phụ thuộc vào kinh tế Mỹ. Trong lúc kinh tế toàn cầu mới chỉ cảm nhận được những tác động đầu tiên của QE3, những đồn đoán về gói QE4 sẽ xuất hiện vào cuối năm, đã làm dấy lên lo ngại về hậu quả thảm khốc do tác động cộng dồn của các gói kích thích của Mỹ, châu Âu.