Trong cuộc họp hôm qua với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết đà phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ mạnh lên trong năm nay, nhưng tăng trưởng tại Nhật Bản và các thị trường mới nổi sẽ giảm.
Kinh tế thế giới tăng trưởng 3,6% năm nay, cao hơn so với 3% năm ngoái. Sang năm 2015, tốc độ này sẽ là 3,9%. "Đà phục hồi bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái đang tăng tốc và lan rộng. Tuy nhiên, mức độ lại không đồng đều", kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF cho biết.
Dự đoán tăng trưởng của Mỹ năm nay là 2,8%, không đổi so với năm ngoái. Đây cũng là tốc độ cao nhất trong các nước phát triển. Nguyên nhân là Chính phủ giảm chi tiêu công, tài sản các hộ gia đình tăng lên, thị trường nhà đất phục hồi và nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay.
Kinh tế thế giới đang ngày càng tăng trưởng mạnh. Ảnh: AP
|
Kinh tế khu vực đồng euro cũng đang nhích lên sau khủng hoảng tài chính 2008 và được dự đoán tăng trưởng 1,2% năm nay. Các yếu tố hỗ trợ đà phục hồi là chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp. Các Chính phủ cũng giảm chi để bớt thâm hụt ngân sách. Dù vậy, ở các nước có nợ tỷ lệ nợ công cao như Italy và Tây Ban Nha, tăng trưởng được nhận xét còn "mong manh".
Lạm phát thấp tại eurozone cũng đang đe dọa gây ra giảm phát. Việc này càng khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu và các nước khó trả nợ.
Nhật Bản cũng có một năm khởi sắc sau thời gian dài giảm phát, nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, thuế tiêu dùng của nước này tăng lên 8%, từ 5% trước đây, đã khiến IMF giảm dự báo tăng trưởng năm nay xuống 1,4%.
Các nước đang phát triển như BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) được dự đoán tăng trưởng 4,9% năm nay, tăng so với 4,7% năm ngoái và đóng góp hơn hai phần ba tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, so với dự báo hồi tháng 1, tốc độ này đã giảm xuống. Một phần do quyết định giảm kích thích của Mỹ khiến lãi suất tại nước này tăng lên và độ hấp dẫn của các quốc gia mới nổi giảm đi. Dòng vốn rút khỏi BRIC năm ngoái cũng khiến tiền tệ các nước mất giá, buộc các ngân hàng tăng lãi suất, gây áp lực lên tăng trưởng.
Theon IMF, Trung Quốc có khả năng chỉ tăng trưởng 7,5% năm nay, thấp hơn so với 7,7% năm ngoái. Họ cũng thúc giục nước này nhanh chóng hoàn tất chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, thay vì xuất khẩu và đầu tư.
Tăng trưởng GDP của Nga cũng bị hạ xuống 1,3%. Nhà đầu tư nước ngoài đã tháo chạy khỏi quốc gia này do các căng thẳng gần đây với phương Tây về vấn đề Ukraine, khiến Nga bị cả Mỹ và châu Âu trừng phạt.