Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 3,4% năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - The Conference Board (TCB), tổ chức nghiên cứu về kinh tế và môi trường kinh doanh uy tín có trụ sở tại New York, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 sẽ đạt mức 3,2% và tăng lên 3,4% trong năm 2015.

TCB cho rằng về tổng thể tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2015-2019 sẽ đạt mức 3,3% hàng năm, nhưng sẽ giảm xuống mức bình quân 2,7% trong giai đoạn 2020-2025 nếu các xu thế hiện nay tiếp tục.

 
Theo dự báo của TCB tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2015. (Ảnh: AFP)
Theo dự báo của TCB tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2015. (Ảnh: AFP)
Chuyên gia kinh tế trưởng của TCB, ông Bart van Ark cho rằng mức tăng trưởng 2014 là phù hợp với dự báo cẩn trọng của tổ chức này, song ở mức thấp nhất trong dự báo của các nhà phân tích. Những người lạc quan sẽ lại tiếp tục thất vọng trong năm 2015, và sẽ còn thất vọng hơn khi xu hướng tăng trưởng về dài hạn sẽ ở dưới mức 3%.

Chuyên gia kinh tế Bart van Ark cho rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu cần phải tập trung kiểm soát tốt hơn ba vấn đề kinh tế vĩ mô được cho là sẽ định hình sự chậm lại kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới, đó là: Thiếu nguồn nhân lực, tăng trưởng sản xuất đi xuống và thiếu đầu tư vào tái sản xuất.

Dự báo về các nền kinh tế đầu tàu của thế giới, báo cáo của TCB cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,2% trong năm 2014 và tăng lên 2,6% trong năm 2015; tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ mức 7,3% của năm 2014 xuống còn 6,5% trong năm 2015; khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,9% trong năm 2014, tăng lên 1,6% trong năm 2015.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về triển vọng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) và Việt Nam, ông Bart van Ark cho rằng về tổng thể, CA-TBD sẽ vẫn là khu vực có mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc khu vực CA-TBD, trong đó có Việt Nam, không cần có những điều chỉnh.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn, và sự điều chỉnh kinh tế tại Trung Quốc sẽ tác động tới tất cả các nước. Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh lớn trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Việt Nam có một nền kinh tế rất mở và Việt Nam có thể sớm thu hẹp hố ngăn cách thu nhập bình quân đầu người với các nền kinh tế khu vực, tự đưa nền kinh tế của mình lên một mức phát triển cao hơn, hướng tới chuỗi chất lượng cao, và duy trì được nhịp độ tăng trưởng.

Ông Bart van Ark cũng cho rằng dù bức tranh toàn cầu có vẻ không mấy sáng sủa nhưng nó cũng sẽ vẫn tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp và các chính phủ nếu như hiểu rõ được các thách thức. Với mức tăng trưởng bình quân 3%, 10 năm tới có thể sẽ rất giống với thập kỷ 1980, thời điểm mà sự tăng trưởng khiêm tốn trong giai đoạn cải cách cấu trúc tại nhiều nền kinh tế đã thúc đẩy sự chuyển tiếp từ "những năm vàng son" hậu Thế chiến II sang một kỷ nguyên định hình bằng sự phát triển của dịch vụ và sự cách tân.