Dám nghĩ, dám làm
Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông Phùng Văn Ngọ ở thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, một trong những trang trại điển hình của xã về quy mô cũng như hiệu quả kinh tế. Tiếp chuyện, ông Phùng Văn Ngọ cho biết, trên diện tích 2.000m2 đất của trang trại, ông đã quy hoạch thành từng dãy chuồng để chăn nuôi lợn và gia cầm. Trong trại, đàn lợn nuôi luôn được duy trì thường xuyên khoảng 120 con lợn thịt, 10 lợn nái để đảm bảo quy trình khép kín từ sản xuất giống đến lợn thương phẩm. Với đàn gia cầm, ông xây dựng 200m2 chuồng trại chuyên nuôi gà tần với số lượng dao động từ 2.000 - 3.000 con/lứa và 500 con ngan, vịt. Mỗi năm trang trại cho thu lãi từ 340 - 370 triệu đồng.
Ngoài trang trại của ông Phùng Văn Ngọ, trong năm qua, phong trào phát triển kinh tế trang trại đã trở thành điểm nhấn của nông dân Ba Vì. Nhiều nông dân đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, làm giàu ngay tại quê hương. Tiêu biểu là các hộ ông Nguyễn Hữu Thung, xã Vạn Thắng với mô hình chăn nuôi bò, cá đặc sản cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm; Mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà kết hợp với thủy sản của ông Nguyễn Gia Hữu, xã Thuần Mỹ cho thu nhập hơn 900 triệu đồng/năm; trang trại chăn nuôi - thủy sản của ông Chu Văn Hồng, xã Phú Đông cho thu nhập 850 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Trường, xã Minh Châu chuyên nuôi bò sinh sản, bò thịt, chuối tiêu hồng cho doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Về trồng trọt có trang trại sản xuất cây giống và trồng bưởi Diễn của ông Nguyễn Văn Hồng, xã Cẩm Lĩnh cho doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm...
Tiền đề cho sản xuất lớn
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, đến hết năm 2014, sau dồn điền đổi thửa, các xã, thị trấn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được hơn 1.700ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng rau an toàn 260ha, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả 50ha, nuôi trồng thủy sản 736ha, phát triển trang trại 150ha... Các mô hình trang trại phát triển khá phong phú, đa dạng, từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản. Trong đó, việc xây dựng các mô hình chăn nuôi lớn, có hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện. Tiêu biểu, UBND huyện Ba Vì phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai mô hình chăn nuôi gà thả vườn và xây dựng thương hiệu tại hai xã Cẩm Lĩnh và Thụy An với 81 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi từ 500 - 3.000 con. Bên cạnh đó, với thế mạnh vùng đồi gò, đàn bò sữa cũng tiếp tục phát triển mạnh tại nhiều xã. Hiện nay tổng đàn bò sữa của huyện đạt 8.100 con.
Đáng chú ý, ngoài việc xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, các hộ dân đã liên kết với nhau thành lập các Chi hội để cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 31 Chi hội làm kinh tế trang trại VAC với số quỹ gần 100 triệu đồng. Có thể nhận thấy, việc xây dựng các mô hình kinh tế trang trại đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện Ba Vì. Đây chính là động lực cho việc phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất đồi gò phía Tây Thủ đô.
Chăm sóc gà mía tại một trang trại ở huyện Ba Vì. Ảnh: Phạm Hùng
|
Theo thống kê, đến nay toàn huyện Ba Vì đã hình thành được 318 mô hình kinh tế trang trại tập trung (chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt...) có hiệu quả, trong đó có 71 mô hình trang trại cho thu nhập cao. Số cây ăn quả trồng được là hơn 170.000 cây gồm bưởi Diễn, chanh, ổi, nhãn, tập trung chủ yếu ở các xã là Cẩm Lĩnh, Minh Quang, Thuần Mỹ, Ba Trại... |