Tư nhân vào cuộc - dấu mốc “thay da đổi thịt” của Đà Nẵng
Năm 2010, thu ngân sách trên địa bàn Đà Nẵng mới đạt gần 6.300 tỷ đồng (hiện nay là hơn 26.000 tỷ, theo số liệu năm 2018), trong đó nộp về Trung ương khoảng 10%. Nguồn lực được giữ lại nhìn chung không đủ đối với một địa phương đang bước vào giai đoạn phát triển cao, với đủ mọi thách thức và nhu cầu chi tiêu cho hạ tầng, kinh tế, xã hội...
Sự đổi thay chỉ đến khi làn sóng đầu tư tư nhân đổ vào TP giai đoạn 2010 - 2012. Tháng 6/2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bắt đầu mở cửa đón khách và ngay cuối năm đó, khu nghỉ dưỡng trở thành nơi đầu tiên tại Việt Nam được một tỷ phú thế giới là George Soros lựa chọn để gia đình nghỉ Giáng sinh.
Hơn một năm sau, công trình được Bill Bensley - “ông hoàng resort” dụng công đặt giữa thiên nhiên Sơn Trà - lần đầu tiên đưa một điểm đến Việt Nam lên bản đồ du lịch xa xỉ thế giới, khi giành giải "Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới" do World Travel Awards trao tặng năm 2014.
Những năm sau đó, khu resort của tập đoàn Sun Group liên tục lên ngôi tại các giải thưởng quốc tế, song ở thời điểm cuối năm 2014, đây thực sự là một cú huých đối với những người làm du lịch Đà Nẵng nói chung, cũng như các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này nói riêng, về cơ hội biến nơi đây thành một điểm đến tầm cỡ quốc tế thông qua những sản phẩm du lịch cao cấp.
Đó cũng có thể coi là dấu mốc cho công cuộc thay da đổi thịt của du lịch Đà Nẵng. Từ chỗ chỉ có 58 khách sạn (năm 1997) với chưa đến 2.000 phòng, Đà Nẵng hiện có gần 850 cơ sở lưu trú, hơn 38.000 phòng, tức tăng lần lượt 14 và 19 lần. Hầu hết các thương hiệu quản lý resort, khách sạn nổi tiếng thế giới như IHG (Intercontinental, Crowne), Accor (Novotel, Pullman, Mercure), Hyatt, Marriott, Hilton… đều đã góp mặt tại đây.
Bên cạnh lưu trú, hạ tầng du lịch địa phương còn được cải thiện rõ rệt bằng việc bổ sung các cơ sở vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế. Những điểm tham quan, vui chơi được các doanh nghiệp đầu tư như Khu làng Pháp và Fantasy Park trên đỉnh Bà Nà Hills, Sun World Danang Wonders; Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center; Cocobay... với những hoạt động giải trí chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, giúp đa dạng hóa lựa chọn và kéo dài thời gian lưu trú cũng những trải nghiệm của du khách.
Không chỉ ở “phần cứng”
Tuy vậy, cũng giống như câu chuyện đầu tư vào hạ tầng, việc gây dựng sản phẩm “mềm” cho du lịch Đà Nẵng chắc chắn là một quá trình tìm tòi, đòi hỏi đầu tư bài bản của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp. Việc tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) thường niên của Đà Nẵng có lẽ là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của sản phẩm du lịch, khi có sự tham gia của doanh nghiệp.
Được Đà Nẵng tổ chức lần đầu năm 2008, nhưng trong những năm đầu, sự kiện thường chỉ diễn ra 2 đêm, thu hút được vài chục nghìn khách cho cả dịp. Cho đến khi DIFF được chính thức giao cho Tập đoàn Sun Group tổ chức năm 2017, ba năm qua, mỗi khi đến kỳ lễ hội, Đà Nẵng như được thổi bừng một sức sống. Thành công của DIFF được đánh dấu bằng lượng khách lên đến 6 con số lưu trú theo dõi và tham gia sự kiện, tăng đều qua các năm.
Sau DIFF, những sự kiện văn hóa, thu hút du lịch nổi tiếng khác đã và đang diễn ra tại Đà Nẵng như Vũ hội Ánh Dương, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam, cuộc thi Iron Man 70.3, cuộc thi Marathon quốc tế… đều tạo được tiếng vang nhờ có sự tham gia của các nhà tổ chức là doanh nghiệp. Chính những sản phẩm du lịch này đã cộng hưởng với hạ tầng có sẵn, giúp Đà Nẵng hiện thu hút được khoảng 7,5-8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, mang lại doanh thu cả tỷ USD và tăng hàng chục lần so với cách đây 2 thập kỷ.
Nhiều thách thức đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Đà Nẵng cũng đứng trước thách thức mới để không chỉ là trung tâm du lịch của Việt Nam mà còn tiến ra tầm khu vực. Hiện khách quốc tế đến Đà Nẵng đang phụ thuộc vào 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng đây lại là những thị trường có tính biến động cao. Trong khi yêu cầu khai phá những nguồn khách mới, có khả năng chi tiêu cao như Mỹ, Nhật, châu Âu hay Đông Nam Á... cũng ngày một cao hơn với Đà Nẵng.
Chính những đòi hỏi nêu trên đặt ra yêu cầu với Đà Nẵng về việc tiếp tục đầu tư hơn nữa vào cả hạ tầng và sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, cũng giống như bài toán đặt ra gần một thập kỷ trước, chính quyền TP rất khó huy động được nguồn lực đầu tư cần thiết nếu thiếu sự tham gia của khối tư nhân. Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của Đà Nẵng đến nay đã giảm xuống còn dưới 70%, thay vì con số 90% như năm 2010.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, để duy trì tăng trưởng khách quốc tế, kế hoạch đa dạng hóa thị trường giai đoạn 2019 - 2021 của Đà Nẵng xác định tập trung vào phân khúc khách cao cấp ở các thị trường trọng điểm, đồng thời khuyến khích việc mở đường bay tới các thị trường tăng trưởng tốt như Nhật, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore), Đài Loan (Trung Quốc)… Để đa dạng hóa sản phẩm, Đà Nẵng tập trung phát triển loại hình du lịch M.I.C.E, nghỉ dưỡng biển, giải trí, đánh golf… hướng đến phân đoạn mục tiêu là khách công vụ theo đoàn, khách trung niên nghỉ dưỡng cao cấp…
Có thể nói, dù đạt được nhiều dấu ấn lớn trong thời gian qua, song du lịch Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể trở thành một trung tâm du lịch quốc tế theo như kỳ vọng của Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Và trên hành trình ấy, chắc hẳn kinh tế tư nhân vẫn đóng vai trò là “đòn bẩy” không thể thiếu để giúp sức cho du lịch Đà Nẵng “cất cánh”.