Tăng trưởng sẽ đạt 6%
Báo cáo của WB đánh giá, sau một số khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong quý IV/2014, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng cả năm lên mức 6%. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2011. Cốt lõi của sự khởi sắc này là các chỉ số kinh tế vĩ mô căn bản đã được cải thiện. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu tăng vững chắc và môi trường kinh doanh đã có những cải cách quan trọng. Các ngành nông nghiệp và chế tạo là 2 “điểm sáng” của nền kinh tế. Xuất khẩu tăng vững chắc, dòng vốn FDI và kiều hối được duy trì và nhập khẩu yếu đã giúp cải thiện cán cân vãng lai, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối lên mức 3 tháng nhập khẩu trong năm 2014…
Về triển vọng năm 2015, WB cho biết, các dự báo trung hạn đều phản ánh sự cải thiện dần dần trong tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô trước áp lực ngày càng lớn của nợ công đang gia tăng. Lạm phát được dự báo sẽ ở mức vừa phải trong năm 2015 do giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi. Các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán cũng có thể đem lại cơ hội cho DN Việt Nam vươn ra những thị trường bên ngoài rộng lớn hơn và giàu có hơn. Những cải cách trong nước, bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng, DN Nhà nước với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn sẽ phát những tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Qua đó đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Các cải cách vẫn ì ạch
Mặc dù tăng trưởng được cải thiện, WB vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng do sự ì ạch trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những câu hỏi quan trọng như làm thế nào để kiềm chế mức nợ công đang tăng lên và làm thế nào để đảm bảo một môi trường thuận lợi hơn cho các DN trong nước. Đổi mới khu vực DN Nhà nước được đánh giá vẫn chậm hơn so với các chỉ tiêu kế hoạch. Trong năm 2014, có 148 DN Nhà nước được cổ phần hóa, tăng gấp đôi so với năm 2013. Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng cho rằng, chỉ cổ phần hóa các DN Nhà nước là chưa đủ. Những cải cách này phải tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ cạnh tranh trong khu vực DN, với biện pháp có trọng tâm nhằm củng cố quản trị DN, giảm các rào cản gia nhập thị trường.
Với tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, WB dự báo sẽ có mức tăng nhẹ từ mức 2,5% trong giai đoạn 2012 - 2014 lên mức 3,1% trong giai đoạn 2015 - 2017 nhờ sự tăng trưởng của các nền kinh tế thu nhập cao như Mỹ, khu vực đồng EURO và Nhật Bản. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm nhẹ dù được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và kinh tế tiếp tục phục hồi ở các nước phát triển. WB dự báo, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 – 2016, giảm nhẹ so với tốc độ 6,9% trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại ở mức khoảng 7% trong 2 năm tới so với tốc độ tăng trưởng 7,4% năm 2014.
Lắp ráp ô tô tại Công ty Ford Việt Nam. Ảnh: Trần Việt
|
Phải có sự chú trọng đặc biệt đến việc thúc đẩy một sân chơi bình đẳng giữa DN Nhà nước và DN dân doanh. Ông Alex van Trotsenburg - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB |