70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế Việt Nam cuối năm 2021: Hai kịch bản tăng trưởng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế trong 7 tháng 2021 với những gam màu sáng, tối. Trong lúc này, phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên số một, song việc dự kiến các kịch bản, giải pháp để nền kinh tế sẵn sàng đón cơ hội tăng tốc phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế cũng rất cần thiết.

Khó khăn
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, với biến chủng mới diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong tháng 7 và 7 tháng năm nay.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, 4 thách thức đặt ra trong thời gian tới: Thứ nhất, giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nguyên vật liệu trong nước. Thứ hai, nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Thứ ba, lưu thông hàng hóa sẽ bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh đang tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới. Thứ tư, DN cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, sức bật trở lại guồng sản xuất của nền kinh tế sẽ bị hạn chế.
 Sản xuất thiết bị gia dụng tại Công ty Sunhouse. Ảnh: Thanh Hải
Trước diễn biến kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo 2 kịch bản: Để tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6% thì quý III phải phấn đấu tăng 6,2%, quý IV là 6,5%; với mục tiêu cao hơn là 6,5%, các quý còn lại có mức tăng trưởng tương ứng là 7% và 7,5%.

Đây là mục tiêu rất khó khăn khi các tỉnh trọng điểm kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đang tấn công trực tiếp vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng du lịch dịch vụ, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý II có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, tháng 4 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 26%, sang tháng 5 mức tăng chỉ còn 11,4%, tháng 6 chỉ còn tăng hơn 8%.

Dù gam màu xám đang có xu hướng lan rộng hơn, song thực tế, nền kinh tế vẫn đang có những tín hiệu tích cực. Xuất nhập khẩu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, với 7 tháng đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nền kinh tế lớn thế giới phục hồi sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu của DN Việt Nam. Thu - chi ngân sách 7 tháng đảm bảo tiến độ theo dự toán ngân sách. Sản xuất nông nghiệp vẫn đang trong xu hướng tốt… Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng hồi phục trong những tháng tới đây.

Vượt bão Covid -19, mở rộng không gian tăng trưởng mới

Kiên định với các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nghị quyết nêu rõ 5 mục tiêu và chỉ ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nghị quyết nhấn mạnh việc tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Các giải pháp trọng tâm là chỉ đạo điều hành bám sát thực tiễn, có quyết sách kịp thời. Quyết liệt, đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để đáp ứng nguồn cung vaccine. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng; phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ…

GS.TS Trần Thọ Đạt (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đạt được mục tiêu 6%, nếu những tháng cuối năm 2021 vẫn theo đà tăng trưởng của quý II và chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh thì con số này có thể đạt được. Nhưng để đạt được 6,5% tăng trưởng cả năm thì khó hơn. “Tình hình dịch bệnh của chúng ta vẫn rất phức tạp. Giải pháp mang tính chiến lược, căn bản, bền vững vẫn là chiến lược vaccine. Chúng ta phải thực hiện “mục tiêu kép” một cách linh hoạt, ở những nơi ưu tiên chống dịch thì quyết liệt chống dịch, ở những nơi dịch bệnh đã kiểm soát tốt thì phải tiến hành phục hồi kinh tế mạnh mẽ”- GS.TS Trần Thọ Đạt nói.

Có góc nhìn tương đối lạc quan, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, cơ hội cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn khá nhiều.

Trong 9 giải pháp được đưa ra, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được thực hiện từ năm ngoái và có ý nghĩa lớn trong việc duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Do vậy, cùng với 2 trụ cột khác là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án công. Ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, xu hướng giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thường tăng mạnh từ nửa cuối quý II trong những năm trở lại đây. Ngoài ra, ở lĩnh vực phát triển kinh tế số sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động, từ đó sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.

Linh hoạt giải pháp giúp doanh nghiệp sinh tồn

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, DN.

Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 68/ NQ-CP và Quyết định số 23 (gói hỗ trợ an sinh lần 2 với 26.000 tỷ đồng), hơn 11,2 triệu lao động đã được hỗ trợ về bảo hiểm xã hội; hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, tự do cũng nhận được tiền hỗ trợ từ ngân sách trên 1.000 tỷ đồng. Bộ LĐTB&XH cho biết, tính đến ngày 4/8, trong 12 chính sách của gói hỗ trợ an sinh lần 2 đã có 1 chính sách hoàn thành. Các chính sách còn lại tiền cũng bắt đầu tới tay người dân.

Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế nhằm thực hiện 4 giải pháp hỗ trợ DN. Đáng chú ý có giải pháp giảm thuế VAT với các DN kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn là hết sức cấp thiết, đặc biệt trong điều kiện giãn cách xã hội, thu nhập DN ở lĩnh vực này giảm đi, hoặc thua lỗ, người lao động gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, rất nhiều DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, các chính sách hỗ trợ là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng DN và người dân. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung.

Để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những nội dung đề cập tới là việc tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN, tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực DN, kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong thời gian nhanh nhất...

"Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ do công nghệ dẫn đầu và triển vọng FDI đầy hứa hẹn, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia giàu tiềm năng nhất trong khu vực. Việt Nam cần tiếp tục chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế."- Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn,

Ngân hàng HSBC Việt Nam Ngô Đăng Khoa