Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2012

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh, những chính sách quyết liệt của Chính phủ các nước thuộc Đông Á và Thái Bình Dương đã phần nào giảm được rủi ro từ khủng hoảng nợ công tại châu Âu và nguy cơ "vách đá tài chính" của Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn cho rằng, sự gián đoạn của thị trường tài chính sẽ là đe dọa chính đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực.

 Theo báo cáo cập nhật dự báo về tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2012 được công bố hôm 8/10, WB nhận định tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ sụt giảm xuống còn 7,2%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2001. Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, trong lúc đóng góp của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào kinh tế toàn cầu đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua, từ 6% lên gần 18%, sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia của WB cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc hạ dự báo tăng trưởng là do sự phục hồi của khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào "sức khỏe" của các nền kinh tế châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, những lo ngại lớn nhất vẫn tập trung ở Trung Quốc với nguy cơ suy thoái sâu hơn nữa khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng chỉ tăng trưởng 7,7% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 8,2% đưa ra hồi tháng 5.
 
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2012 - Ảnh 1
Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại thủ đô Washington, DC của Mỹ.

Trái với Trung Quốc, WB khá lạc quan vào sức đề kháng của các nền kinh tế Đông Nam Á nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng và việc Chính phủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia mạnh tay chi cho đầu tư. Tuy nhiên WB cảnh báo, các nước như Mông Cổ, Lào, Đông Timor, Fiji và Papua New Guinea có thể phải đối mặt với cú sốc suy giảm thương mại khi sản xuất hàng hóa chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của các nước này.

Đối với Việt Nam, tuy không nằm ngoài xu hướng bị hạ mức tăng trưởng khi con số này của năm 2012 và 2013 sẽ lần lượt ở mức 5,2% và 5,7%, nhưng WB vẫn khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nước ta. Theo WB, trong vòng 1,5 năm trở lại đây, Việt Nam đã tập trung kiềm chế lạm phát nên tăng trưởng đầu tư trong khoảng thời gian này phải chứng kiến đà sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình hình kinh tế có thể khởi sắc hơn trong những tháng còn lại của năm, do chính sách đã có phần linh hoạt hơn. Đặc biệt, các chính sách vĩ mô quyết liệt trong thời gian qua như hạ lãi suất từ mức 15% hồi cuối năm 2011 xuống còn 11% khi lạm phát giảm mạnh đã giúp Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia có sự tăng trưởng xuất khẩu trong khi các nước còn lại tại khu vực Đông Á đều sụt giảm mạnh. Ngoài ra, bất chấp khủng hoảng kinh tế, thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam đã tăng lên khá nhanh, chỉ đứng sau Trung Quốc.