Sản xuất công nghiệp, hoạt động DN còn khó khăn
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với tháng 12/2018 bị giảm 32%; so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8%; trong đó khai khoáng giảm 6,7%, chế biến, chế tạo tăng 10,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,8%, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%. Các thông tin đó có tính hai mặt. Một mặt, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng 2 chữ số, tiếp tục là động lực và đầu tàu tăng trưởng.
Mặt khác, toàn ngành công nghiệp tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của tháng 12/2018 (11,4%) và của cả năm 2018 (10,2%), trong đó khai khoáng giảm sâu hơn, 3 ngành còn lại tăng thấp hơn. Đây là cảnh báo cho tăng trưởng công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung trong cả năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng 6,6 -6,8%) và quyết tâm của Chính phủ (tăng 7%).
Hoạt động của DN có sự chuyển biến trên một số điểm. Số DN đang hoạt động tính đến cuối tháng 1/2019 là 5.932 DN, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 13%, đưa tổng số DN đang hoạt động tính đến cuối tháng 1/2019 đạt 660,8 nghìn DN.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex, khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Danh Lam |
Tuy nhiên con số này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1 triệu DN đang hoạt động vào năm 2020 trong bối cảnh số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng, với số lượng ngày một lớn. Có ý kiến cho rằng, việc giải thể, tạm ngừng hoạt động trong cơ chế thị trường là điều bình thường; điều đó đúng, nhưng với số lượng lớn, kéo dài và tiếp tục tăng là không bình thường.
Vốn đầu tư chỉ có 2 thông tin được công bố, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện trong tháng 1/2019 chỉ đạt 18.031 tỷ đồng và chỉ đạt 5,6% kế hoạch cả năm và chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Phần vốn do địa phương quản lý tăng khá hơn (15,3%), nhưng tỷ lệ thực hiện cũng chỉ đạt 5,6%, trong đó đạt thấp hơn có TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng... Đây chủ yếu do đầu năm còn phải triển khai.
Vốn FDI đăng ký mới tổng số đạt 805 triệu USD, tăng 81,9%. Nếu cộng với số vốn tăng thêm (đạt 340,3 triệu USD, giảm 25,5%), thì tổng vốn đăng ký đạt 1145,3 triệu USD, tăng 27,3%. Vốn FDI thực hiện đạt 1550 triệu USD, tăng 9,2%.
Du lịch, dịch vụ tăng
Tổng mức bán lẻ (TMBL) hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế đạt trên 40,2 tỷ USD, cao hơn tháng 12/2018 và tăng 12,2%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng 9,4%. Đó là tốc độ tăng khá cao, đáp ứng nhu cầu vừa “ăn Tết” vừa “chơi Tết” của người dân.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tuy nhiên, tổng kim ngạch giảm 1,3%, trong đó có một số mặt hàng giảm sâu hơn (hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, than đá, dầu thô, xăng dầu, điện tử, máy tính và linh kiện…). Do xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng (3,1%), nên đã chuyển từ xuất siêu 88 triệu USD sang nhập siêu 800 triệu USD.
Trong đó, khu vực trong nước nhập siêu tăng cả về quy mô tuyệt đối (2.630 triệu USD so với 2.369 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (50% so với 40,1%); khu vực có vốn ĐTNN tiếp tục xuất siêu nhưng giảm cả về quy mô tuyệt đối (1.830 triệu USD so với 2.369 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (13,5% so với 20,6%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng thấp (0,1%), chủ yếu do quan hệ cung - cầu có sự cải thiện (sản xuất năm 2018 tăng cao hơn, tháng 1 năm nay nhập siêu hàng hóa lên tới 800 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 88 triệu USD.
Bên cạnh những mặt hàng có tốc độ tăng giá cao hơn tốc độ tăng chung (hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá...) có một số mặt hàng giá giảm (giao thông, bưu chính viễn thông) hoặc tăng thấp hơn tốc độ chung (thuốc và dịch vụ y tế).
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với sự tăng cao của giá vàng (2,25%) do sự tăng lên của giá vàng trên thế giới (đã vượt qua mốc 1.300 USD/ounce) sẽ tác động đến tâm lý kỳ vọng lạm phát...
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 năm nay đạt trên 1,5 triệu lượt người, vừa tăng cao hơn tháng trước (9,3%), vừa tăng khá so với cùng kỳ năm trước (5%). Trong đó, tăng cao hơn có đến bằng đường bộ, đến từ châu Á (đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Hongkong), từ châu Mỹ (đặc biệt từ Mỹ, Canada), từ Đan Mạch, Na Uy...
Nhìn chung, kinh tế tháng khởi đầu đạt được kết quả tích cực về công nghiệp chế biến, chế tạo, FDI thực hiện, TMBL, CPI, khách quốc tế,...; nhưng có xu hướng tăng chậm lại, thậm chí còn giảm về IIP toàn ngành công nghiệp, công nghiệp khai khoáng, xuất khẩu, nhập siêu...