Hoạt động cải cách tư pháp thiết thực, hiệu quả
Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Tự Cấp cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy, Ban Chỉ đạo CCTP quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trong TP sâu sát, kịp thời, thường xuyên, hiệu quả, thiết thực.
Các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2019, đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh, qua thanh tra đã xử lý nghiêm và giải quyết những tiêu cực, sai phạm của các đơn vị luật sư, công chứng, thừa phát lại...
Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác điều tra - truy tố, xét xử được nâng lên. TAND TP đã thành lập 16 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quà công tác hòa giải, đối thoại tại TAND; giảm áp lực số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử; giảm số lượng vụ việc cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội.
Sau 6 tháng triển khai thí điểm công tác hòa giải, 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại đã tiếp nhận 8.712 đơn khởi kiện các loại; đã thụ lý 6.791 đơn đủ điều kiện giải quyết; đã giải quyết 5.672 đơn, trong đó, hòa giải, đối thoại thành 3.648 vụ việc; hòa giải, đối thoại không thành 2.024 vụ việc (tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 64,32%). Trong các loại án thì án Hôn nhân gia đình có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất, đạt tỷ lệ 80,19%...
Kết quả công tác các cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan khối nội chính đã góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô bình yên, tạo môi trường đầu tư thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô trong nước và khu vực, quốc tế.
Phấn đấu nâng tỷ lệ khám phá tội phạm đạt trên 75%
Chỉ rõ 6 tồn tại trong công tác CCTP của TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tư pháp.
Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Phấn đấu nâng tỷ lệ xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt trên 90%, tỷ lệ khám phá tội phạm đạt trên 75%, khám phá trọng án đảm bảo đạt trên 90%, cố gắng hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội giao. Công tác thi hành án dân sự cần tập trung phấn đấu đạt chỉ tiêu.
Nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử các loại án đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu công tác năm 2019, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy đề nghị các cấp thực hiện tốt việc tranh tụng trong xét xử theo quy định pháp luật, không kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; hạn chế thấp nhất tình trạng án bị hủy, sửa, các vụ án tuyên không rõ ràng.
“Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân hai cấp trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Đề nghị các đơn vị có liên quan quan tâm, phối hợp, hỗ trợ về kinh phí và các điều kiện khác cho 16 trung tâm hòa giải thuộc Tòa án Nhân dân hai cấp TP thực hiện tốt công tác” - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, các cấp, ngành cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc chỉ đạo giải quyết những vụ án theo Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giải quyết tốt những vụ án lớn, vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là những vụ án do Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính T.Ư, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội phối hợp với các cơ quan tư pháp TP theo dõi, đôn đốc, thường xuyên báo cáo tiến độ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy, cấp ủy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp các cơ quan dân cử (HĐND, MTTQ các cấp) tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, triệt để, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp.
“Thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp. Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các nước trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị triển khai thực hiện có hiệu quả "Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề nghị UBND các cấp từ TP đến quận, huyện, thị xã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động các cơ quan tư pháp; đầu tư xây dựng trụ sở khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, giao đất đáp ứng yêu cầu CCTP.
Rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình số 69-CTr/BCĐ cùa Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy về trọng tâm công tác năm 2019, bảo đảm tiến độ, hiệu quả; các đơn vị, sở, ngành cần chủ động chuẩn bị cho công tác tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư".