Bài 1: Vì đâu nên nỗi? Bài 2: Gian nan “cuộc chiến” thu nợ Bài 3: Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Trong công tác thu hồi nợ đọng, chống thất thu ngân sách, với những DN chây ì, cố tình lách thuế, trốn thuế, Cục Thuế sẽ tiếp tục có những giải pháp mạnh tay hơn. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội về vấn đề này. Thời gian qua, dù đã triển khai quyết liệt các giải pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai các DN nợ thuế nhưng việc thu hồi nợ thuế vẫn gặp khó khăn. DN chậm nộp thuế vì chây ì hay vì họ quá khó khăn? - Qua thực tiễn quản lý và công tác thu thập thông tin, lắng nghe từ phía người nộp thuế (NNT), Cục Thuế xác định các DN nợ thuế do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều DN làm ăn thua lỗ, sản xuất đình đốn, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm, sức mua giảm, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán chưa thật sự khởi sắc, nhiều dự án thiếu vốn… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng như việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN. Bên cạnh đó, một số DN chây ì trong việc nộp tiền thuế vào ngân sách. Đối với những đơn vị chây ì, Cục Thuế đã và đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như công khai tên DN nợ thuế, cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn và chuyển cơ quan công an các đơn vị nợ thuế lớn, kéo dài theo quy định. Thời gian qua, ngành thuế đã có những giải pháp gì nhằm quản lý, đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế? - Ngay trong tháng 1/2016, Cục Thuế đã thực hiện giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết tới từng phòng, từng đội thuế, từng cán bộ thuế; Đặc biệt tập trung vào các đối tượng có số nợ lớn và các khoản nợ có khả năng thu. Chúng tôi thường xuyên phân tích thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các DN nợ thuế (nhất là các đơn vị nợ dưới 90 ngày) để tập trung đôn đốc; Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ phận thuộc Cục Thuế để phân định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, bộ phận nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ thuế; Tiếp tục phối hợp tốt với các ngành liên quan trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, công khai các DN nợ thuế… Cục Thuế đã tham mưu UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp phối hợp tốt với cơ quan thuế trong công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế; Thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn TP, trong đó Cục Thuế là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo; Thành lập Tổ công tác liên ngành đôn đốc thu nghĩa vụ tài chính các dự án khu đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh do lãnh đạo Cục Thuế làm Tổ trưởng; Làm việc trực tiếp tại trụ sở của 11 dự án nợ tiền sử dụng đất để yêu cầu các đơn vị nộp ngay số tiền nợ đọng vào ngân sách. Đồng thời, Tổ cũng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị dẫn đến chưa nộp được khoản nợ trên, từ đó phối hợp với liên ngành kiến nghị UBND TP các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án trong quá trình thực hiện. Ông có thể cho biết mục tiêu và các giải pháp mà cơ quan thuế đặt ra từ nay đến cuối năm trong thu nợ thuế? - Trong những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý hóa đơn bất hợp pháp. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo số nợ có khả năng thu đến 31/12/2016 dưới 5% tổng thu ngân sách. Cơ quan thuế xác định việc thường xuyên nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình SXKD của DN nợ thuế; Thu thập thông tin phản hồi của NNT để xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế, từ đó có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp cụ thể là rất quan trọng. Bên cạnh đó, luôn phải đảm bảo thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình, quy định của pháp luật trên tinh thần lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải chủ động phối hợp với các sở, ngành TP kịp thời báo cáo, tham mưu UBND TP, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét, giải quyết. Đồng thời, Cục Thuế tiếp tục chủ động phối hợp với UBND các cấp thành lập các Ban chỉ đạo, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đồng thời, chủ động tham mưu TP kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình SXKD; Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển SXKD, tăng thu nhập để có nguồn tài chính nộp thuế, đồng thời tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Cục Thuế cũng chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách thuế liên quan đến công tác quản lý thuế nói chung và công tác quản lý nợ thuế nói riêng nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của NNT, hạn chế việc phát sinh nợ sai do sai sót của NNT. Xin cảm ơn ông!