Kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa XIII: Nhiều băn khoăn sau một nhiệm kỳ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/3, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự thảo các báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Nhiều ý kiến ĐB Quốc hội cho rằng, các báo cáo đều nghiêm túc, nhiều thông tin và số liệu chi tiết để người dân có thể nhìn lại, đánh giá nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan với nhiều nỗ lực, kết quả to lớn như sửa Hiến pháp, giữ được tăng trưởng kinh tế, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ… Nhưng các ý kiến cũng chỉ ra không ít hạn chế cần tiếp tục thay đổi và những kỳ vọng trước một nhiệm kỳ mới.

Chưa hài lòng về chất lượng làm luật

Công tác xây dựng luật dù được coi là một thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua với số lượng luật ban hành lớn, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) nhận xét: Luật làm nhiều, nhưng chất lượng vẫn còn đôi điều cần bàn thảo. Cụ thể, có những luật vừa ban hành đã phải sửa, có luật chưa đưa được vào đời sống. Theo ĐB Sơn, nguyên nhân là do quy trình làm luật. Các cơ quan thuộc Chính phủ là đơn vị  dự thảo luật, nhưng chỉ giải quyết khó khăn của cơ quan quản lý mà không giải quyết khó khăn của người dân, DN. Nhiệm kỳ tới, Quốc hội nên có cơ quan soạn thảo luật riêng, không nên thụ động chờ Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, do người xây dựng luật không có thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề được nhìn nhận theo kiểu “không quản được thì cấm”. Khi ra Quốc hội bấm nút, nhiều vấn đề ĐB tranh luận không được tiếp thu. Nhiều vấn đề chưa thống nhất nhưng luật vẫn được thông qua khiến ĐB day dứt.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại tổ.	 	Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại của Quốc hội là luật chi tiết quá yếu, dẫn tới chuyện có 4.774 văn bản dưới luật. “Nếu tính đến tháng 7 tới đây, thông qua một số bộ luật khác nữa thì sẽ có trên 5.000 văn bản dưới luật để triển khai luật. Làm luật nhiều nhưng yêu cầu bớt đi văn bản dưới luật chưa đạt được kết quả đáng kể, vì vậy luật vẫn chờ thông tư, đây là điều bức xúc rất lớn của cử tri. Tôi nói ở cấp bộ có gần 4.000 thông tư, mà thông tư mới là hướng dẫn chứ chưa chi tiết” - ĐB Lịch chỉ rõ. Từ đó cho rằng, Khóa XIV tới đây làm luật phải có tính hệ thống xuyên suốt, không thể cứ sửa đi sửa lại liên tục thì không phát triển được.

ĐB Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân có dự án luật không đi vào thực tiễn là do việc đánh giá tác động của luật chưa thật tốt, hy vọng điều này sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Gửi gắm của cử tri đã trọn vẹn?

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đưa ra một thực tế: “Còn cơ chế xin cho, nếu ĐB nói mạnh, nói đúng với thực tiễn thì sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. ĐB không dám phát biểu hết suy nghĩ, không bao giờ phát biểu thẳng thắn. Phát biểu vì thế có khi thờ ơ với cuộc sống, không mang hơi thở cuộc sống”. ĐB đề nghị phải đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội để gần dân hơn, ĐB gần dân hơn.

Đây cũng là vấn đề mà nhiều ĐB băn khoăn khi thảo luận tại tổ và cho rằng, ĐB Quốc hội phải tự nhìn lại mình xem đã hoàn thành các nhiệm vụ được cử tri, Nhân dân giao phó chưa, đặc biệt các vấn đề giám sát, kiểm tra. ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhận xét: Công tác giám sát của Quốc hội cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn, không thể để tình trạng khi xuống giám sát đi cả một đoàn, nhưng khi về thì không kết luận được cái gì. “Quốc hội làm thế này còn nhiều nặng nợ với cử tri lắm. Dân đặt niềm tin vào ĐB Quốc hội, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ nhưng chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn...” - ĐB Nghĩa bày tỏ.

Đánh giá những bài học về dân chủ trách nhiệm trong nghị trường Quốc hội Khóa XIII đã thực sự để lại cho các nhiệm kỳ sau bài học quý giá, nhưng ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cũng trăn trở: Trung tâm của Quốc hội là các ĐB, hơn nữa trách nhiệm của mỗi ĐB đại diện cho gần 200.000 người dân bầu cử ra mình là vô cùng lớn. Do đó, bài học kinh nghiệm đầu tiên và cũng quan trọng nhất của Quốc hội phải là bài học về nhân sự, cụ thể là làm thế nào để bầu ra được ĐB tốt, đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm. ĐB Quyền mong muốn trong cuộc bầu cử tới, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải làm sao để chọn được người thực sự có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với đất nước, Nhân dân để bầu làm ĐB.

Đánh giá đúng các bài học kinh nghiệm

Đóng góp vào các báo cáo của Chính phủ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Tổng kết nhiệm kỳ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của Nhân dân, chiến sĩ, người lao động, công nhân..., nhất là trong sự kiện Biển Đông, toàn quân, toàn dân ta đã rất nỗ lực. Cần cảm ơn Nhân dân đã luôn ủng hộ Chính phủ trong lúc khó khăn đó, chính Nhân dân cũng là người đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng sản xuất, thắt lưng buộc bụng cùng Nhà nước vượt qua thử thách”.

ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) nhận xét: Báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ nào cũng nói kinh tế vĩ mô chưa ổn định, vậy không ổn định là do đâu, là do lệ thuộc vào nước ngoài quá lớn từ nguyên liệu, công nghệ, thị trường, đầu ra, đầu vào làm cho chuỗi giá trị không đảm bảo...

Các ĐB mong muốn, các báo cáo nhìn nhận vấn đề của đất nước cần đi thẳng vào các thách thức, khó khăn, hạn chế tồn tại yếu kém cần được phân tích kỹ lưỡng. Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cần có tư duy như vậy thì mới đưa ra dự báo và cơ chế chính sách thích hợp.
Giám sát của Quốc hội tuy nhiều, một số vấn đề có hiệu quả như oan sai, đất đai…, nhưng vẫn nặng về báo cáo, đánh giá tình hình, chưa nói được thực sự những “bệnh tật” của nền kinh tế, vì vậy tính dân biểu, phản biện chưa cao. Việc giám sát các vụ việc còn ít. Ví dụ thông qua giám sát xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long thì phải chỉ rõ được vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp để giải quyết được tình hình.  Giám sát như vậy mới giải quyết được thực tiễn.
ĐB Đỗ Văn Đương - Đoàn TP Hồ Chí Minh