Năm 2012 thu ngân sách Nhà nước khó khăn, vậy theo ông, trong năm tới, những khó khăn trong thu ngân sách có được cải thiện hơn không?
- Tôi nghĩ, các nền kinh tế lớn vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, một số vẫn đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách, khủng hoảng nợ công chưa chấm dứt... Chắc chắn, kinh tế trong nước tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng dự đoán có thể cao hơn năm 2012 nhưng tiếp tục phải thực hiện kiềm chế lạm phát. Hệ quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh có độ trễ sẽ ảnh hưởng phần nào đến tình hình phát triển kinh tế. Vì vậy, năm 2013 chưa thể có bước tăng trưởng đột biến trong lĩnh vực này.
Ông nhận định thế nào về việc, trong khi toàn dân "thắt lưng buộc bụng" do kinh tế khó khăn, nhưng chi tiêu công có vẻ còn nhiều bất cập?
- Trong năm 2012 đúng là tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức lớn do tác động tiêu cực, bất ổn từ bên ngoài và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2012, việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn tiếp tục nổi lên một số bất cập.
Chẳng hạn, việc thực hiện kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng, chi tiêu NSNN còn biểu hiện chưa nghiêm ở mức độ khác nhau, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản như tình trạng phê duyệt, quyết định một số dự án đầu tư không tính đến khả năng cân đối về nguồn vốn theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, bố trí vốn cho các dự án chưa đúng cơ cấu kế hoạch được giao, chưa khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra, gây thất thoát, lãng phí NSNN…
Mức bội chi ngân sách có khiến ông lo lắng?
- Trong bối cảnh thu chi cân đối ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2012 như Quốc hội đã quyết định là cố gắng lớn. Mặc dù chưa giảm được bội chi song nợ công, nợ chính phủ và nợ của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt hơn cho an ninh tài chính quốc gia, cần cơ cấu lại ngân sách, quản lý tốt các khoản vay về cho vay lại, các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và tính toán đến khả năng trả nợ trong trung hạn.
Vậy Chính phủ xác định con số bội chi cho năm 2013 là khoảng 4,8% GDP đã là hợp lý chưa?
- Đây là mức bội chi bằng năm 2012 (tương đương 162.000 tỷ đồng) Với mức bội chi này, dư nợ công đến cuối năm 2013 tương đương 55,9% GDP. Khi thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách đồng tình với đề xuất của Chính phủ, để bảo đảm nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Năm 2013 cần chấp nhận việc chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình. Thực tế, với mức bội chi này vẫn chưa giải quyết được một số cân đối lớn như chưa cân đối được việc bù quỹ hoàn thuế GTGT; khó khăn trong thực hiện một số nhiệm vụ, đặc biệt là chi cải cách tiền lương; nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản chưa được bố trí ở mức hợp lý. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị, để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, sử dụng ít nhất 30% số vượt thu ngân sách T.Ư năm 2013 (nếu có) để thực hiện đúng lộ trình giảm bội chi NSNN. Ý kiến khác quyết liệt hơn cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc giảm bội chi theo lộ trình, duy trì an ninh tài chính quốc gia là vấn đề hết sức bức thiết. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần thực hiện giảm bội chi xuống mức 4,7% GDP theo đúng lộ trình đã được Quốc hội quyết định.
Xin cảm ơn ông!