Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Bài học nhỏ

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào cửa, nhìn thấy bố mẹ đang tiếp khách, nhưng như không thấy gì, cậu bé lẳng lặng đi lên gác.

Thấy khách có vẻ rất ngạc nhiên về thái độ ấy, anh chị lập tức gọi con lại “Con đi về mà không chào ai thế ạ”. Cậu bé không quay xuống, chỉ vừa đi vào nói: “chú”, rồi lên đóng sập cửa phòng lại. Bố mẹ cậu phân trần với khách, “đấy chú xem, đây không phải lần đầu tiên đâu. Nó đi đâu về nhìn thấy bố mẹ, ông bà hay bất cứ ai cũng không bao giờ chào, bảo thì nó mới chào chiếu lệ. Không ít lần bực mình quá, tôi đã lôi ra đánh, nhưng đâu cũng vào đấy, nó vẫn không chuyển biến gì. Thật không biết làm sao nữa”.

Câu chuyện ấy có lẽ không phải là ngoại lệ. Nhiều người hay than phiền, không biết có phải giới trẻ bây giờ luôn thiếu lễ độ thế không. Trong trường học, không ít học sinh nhìn thấy thầy giáo của mình thay vì chào lại chỉ chỏ, bình luận. Con cái đi ra khỏi nhà cũng chỉ “phóng” lại một câu với bố mẹ như chỉ thị. Cái gọi là “gọi dạ, bảo vâng” với trẻ bây giờ nhiều khi như bị lãng quên.

Người lớn thì trách trẻ con hỗn, không biết tôn trọng người lớn. Nhưng họ cũng không để ý rằng, cách sống ấy có khi đến từ chính quan niệm nuôi dạy con của không ít gia đình. Như với cậu bé ở câu chuyện trên, từ nhỏ, khi cậu có thái độ không ngoan, thậm chí hỗn với người lớn, anh chị cũng bỏ qua bởi cho rằng “trẻ con còn bé, không biết gì”. Hoặc khi nóng giận, anh lại dạy con kiểu khẩu lệnh “con phải…” hoặc quát, đánh. Còn bản thân anh chị cũng luôn coi những lễ nghi ấy là khách sáo, là không cần thiết trong cuộc sống.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, từ bé dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cần thiết để bé biết cách xử sự lịch sự cũng là hình thành đức tính tốt sau này không phải quá khó. Có lẽ, đó là lý do nhiều người luôn dạy trẻ biết nói “dạ, thưa” mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, vừa lễ phép lại vừa dễ nhớ như “dạ có, dạ không…” hay dạy trẻ khoanh tay và chào hỏi người lớn khi đưa bé đến chơi nhà ai đó. Nhưng điều quan trọng hơn cả là bố mẹ cần chú ý đến thái độ của chính mình khi trò chuyện hoặc trong cách ứng xử với trẻ.

Muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết bố mẹ cần làm gương cho con, xưng hô lễ phép với bề trên, giữ đúng nền nếp trong gia đình. Đó chính là những ấn tượng tốt và tạo thói quen cho trẻ học tập theo. Việc chào hỏi, lễ phép trong ăn nói, tưởng như là việc rất nhỏ nhưng không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua và nên kiên trì dạy con, làm sao cho quá trình giáo dục con không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do nào. Nhiều trường hợp cho thấy, do bố mẹ lơ là, một số bé có thể từ ngoan, biết nghe lời đã chuyển thành cứng đầu, khó bảo chỉ sau vài năm. Giống như mưa dầm thấm lâu, chính cái sự lễ phép từ ngày thơ dại trong gia đình ấy sẽ cho ra đời những người biết cư xử có văn hóa trong xã hội sau này.