Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Bồi dưỡng sự tự tin

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người luôn biết rằng, việc bồi dưỡng khả năng để giúp trẻ tự tin hơn là vô cùng quan trọng, nhưng lại không biết phải bắt đầu thế nào.

 Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự dũng cảm, tự tin ở trẻ em được biểu hiện ở việc không sợ bóng tối, không sợ bị cô độc và những con vật nhỏ, không sợ người lạ, biết cách giao tiếp và làm quen với bạn bè trong lớp. Nếu như bản thân trẻ tự cảm thấy mình rất đáng yêu, cho dù đó chỉ là cảm giác cũng là điều rất tốt. Bởi nó sẽ khiến trẻ luôn chủ động trong mọi mỗi quan hệ.
 Ảnh minh họa
Ngược lại, trẻ thiếu tự tin do rất nhiều nguyên nhân, trẻ có tính nhút nhát, tự ti về ngoại hình của mình, trẻ sợ ánh mắt của mọi người nhìn vào mình; trẻ chưa từng tiếp xúc với đám đông một mình; trẻ hay bị mắng mỏ, chê bai; trẻ được sự quan tâm nuông chiều quá mức… Biểu hiện của một đứa trẻ nhát gan chính là cho dù ở nhà hay ra ngoài, trẻ đều tỏ ra rụt rè và luôn lo lắng vì thiếu cảm giác an toàn.
Bố mẹ có thể giúp trẻ gây dựng sự tự tin bằng cách tạo cho chúng thật nhiều cơ hội để rèn luyện và tập thành thục các kỹ năng mới. Đầu tiên, để rèn sự tự tin, hãy tạo cho trẻ điều kiện và cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môi trường xung quanh. Các chuyên gia cho rằng, việc người lớn can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ và luôn có suy nghĩ sợ con mình sẽ bị tổn thương khi va vấp bên ngoài sẽ khiến trẻ mất đi sự tự tin và ngại giao tiếp. Bố mẹ nên tùy thời điểm và hoàn cảnh để cho trẻ tự do chơi đùa cùng bạn bè bằng tuổi hoặc lớn hơn. Những lúc nhà có khách, cũng nên khuyến khích trẻ tự tin giao tiếp và mạnh dạn hơn.
Sự tự tin còn được hình thành dựa trên cảm giác về sự thành công. Nên hãy để trẻ tự làm những việc liên quan đến bản thân. Hãy để cho trẻ phạm lỗi và hãy luôn ở bên để động viên tinh thần, nhắc trẻ tiếp tục cố gắng. Hãy tỏ ra thích thú và vui mừng mỗi khi trẻ thể hiện đã tập thành thạo một kỹ năng mới; hãy khen ngợi khi trẻ đạt được một mục tiêu nào đó hoặc nỗ lực làm việc gì đó. Bởi khi trẻ làm được một việc gì đó, cho dù là nhỏ, trẻ cũng sẽ có cảm giác mình “có thể làm được” và chính điều này là nền tảng cho sự tự tin. Sự tự tin vào bản thân có thể hình thành từ khi trẻ còn rất nhỏ. Sự tự tin ở trẻ sẽ tăng lên mỗi khi trẻ học được một kĩ năng mới hay vượt qua một mốc quan trọng trong cuộc đời.
Nhiều người cho rằng, kích thích sự tò mò ở trẻ cũng là một cách hay để giúp trẻ trở nên tự tin hơn. Bởi vì đó chính khi khám phá thế giới xung quanh và kiểm nghiệm xem mình có thể làm gì, trẻ sẽ tin vào bản thân mình. Những đứa trẻ vượt qua được sự nhút nhát, tự tin vào bản thân và những hành động của mình sẽ trưởng thành vững chắc. Sự tự tin được nuôi dưỡng theo thời gian sẽ giúp mỗi người hoàn thiện kỹ năng sống của bản thân, sẵn sàng đối diện với mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.