Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Dạy con về tiền bạc

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào để dạy con về tiền, từ khái niệm, đến giá trị đồng tiền, cách kiềm tiền, cách sử dụng… là điều nhiều người bối rối. Phần lớn các bậc cha mẹ cho rằng, trẻ con không nên cầm tiền, nhất là nhiều tiền, bởi dễ bị dụ dỗ, dễ hư hỏng mà đang sợ nhất là chơi game và nghiện ma túy.

Nhiều gia đình khi con hỏi xin tiền để mua đồ vật nào đó chúng yêu thích, bố mẹ gạt đi với câu nói “bất hủ”: “Nhà mình còn nghèo”; hay phũ phàng hơn: “Tiền đâu mà mua”… Cũng có gia đình khá giả thì đáp ứng mọi yêu cầu của con cái, chúng thích mua cái gì là mua ngay, không cần nghĩ ngợi vì “gia đình mình không có gì ngoài điều kiện”…
 Ảnh minh họa.
Đáng buồn hơn cả là tâm lý rất phổ biến của nhiều gia đình là dạy con coi khinh đồng tiền, coi đồng tiền là cám dỗ tội lỗi, con người sống có đạo đức là coi khinh tiền tài. Điều này vô hình trung khiến trẻ lớn lên không có động lực để kiếm tiền, dễ dẫn đến sống trong nghèo khó và phụ thuộc người khác. Ngược lại, đừng khiến trẻ nghĩ có tiền là có tất cả, giải quyết được tất cả vướng mắc. Từ đó, trẻ sẽ làm nô lệ cho đồng tiền.

Do vậy, bố mẹ cần mạnh dạn giải thích cho trẻ một cách đơn giản về sự cần thiết, vai trò của đồng tiền: Việc kiếm tiền đủ sống, nhiều là cần thiết, vừa để giúp bản thân, gia đình vừa có thể giúp cho những người khó khăn hơn.

Phụ huynh nêu những cách dùng tiền như thế nào cho hợp lý cho con trẻ hiểu, qua giải thích và qua những việc làm cụ thể. Một bà mẹ cho biết, khi bà dẫn con đi chợ, bà giải thích cho con là tại sao nên mua cái này mà không mua cái kia, so sánh giá cả, chất lượng sản phẩm, tiền là thứ có hạn nên phải dùng một cách thông minh. Có người còn cho con biết kế hoạch chi tiêu của gia đình, tính hợp lý của nó. Một ông bố cho biết: Con trẻ thường mau chóng chán những đồ vật cũ, những thứ mà bố mẹ bỏ ra số tiền nhiều hay ít mới có được, nên phải giải thích cho nó cần phải quý trọng thứ nó đang có như thế nào.

Lúc trẻ đã khá lớn, độ 14, hay 15 tuổi, bố mẹ nên giải thích về kiếm tiền, tiết kiệm tiền với những mục tiêu nhất định phù hợp với khoản thu nhập. Khi con chuẩn bị vào đại học, bố mẹ cũng không nên ngần ngại thảo luận những chi phí: Tiền học phí, tiền ăn uống, tiền thuê nhà/phòng trọ nếu có, tiền mua sắm tài liệu hay sách vở… Điều này giúp con hình dung được số tiền bố mẹ phải hỗ trợ cho con lớn đến mức nào, nguồn tiền sẽ được kiếm từ đâu. Từ đó, con phải học hành như thế nào để những đồng tiền bỏ ra không bị hoang phí.

Bố mẹ cũng không quên dạy con làm quen với các kỹ năng liên quan đến ngân hàng, việc không thể không biết ở thời đại công nghệ số.

Cuối cùng, vậy nên cho trẻ cầm tiền để dùng lúc nào? Theo các chuyên gia, không có độ tuổi cố định để cho trẻ tự cầm tiền tiêu, điều này thường là lúc trẻ có nhu cầu dùng tiền, như để mua đồ ăn sáng, sách vở… Phụ huynh cần mạnh dạn đưa tiền cho trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ kiếm số tiền tiêu vặt một cách chính đáng.

Đúng là dạy con biết dùng tiền không dễ, nhưng không nên vì khó mà bỏ qua việc huấn luyện cho chúng kỹ năng này.