Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Dạy trẻ bằng yêu thương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một người phụ nữ tâm sự, chị cũng không hiểu sao tình yêu của đứa con dành cho chị cứ ngày một ít đi. Cuộc sống nhiều lúc mệt mỏi, bực tức, không kiềm chế được, chị trút cơn giận lên con.

Có khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ chị cũng nổi điên, vớ được dép, cái thước là chị lại phát vào mông con. Lúc đó chị cũng không còn nghĩ được gì, chỉ biết đánh con, đánh thật nhiều, thật đau cho bõ những uất giận trong lòng. Những trận đòn, trận chửi mắng vô cớ cứ kéo dài làm con bé sợ hãi khi đứng trước chị, nó giật mình thon thót mỗi lúc chị nói to.
 Ảnh minh họa
Với không ít người, đánh mắng con trở thành một cách để thỏa mãn cơn tức giận, hay coi đó là cách để khẳng định quyền lực của mình với con cái hoặc cũng có thể do không biết cách kỷ luật theo hướng tích cực. Một người phụ nữ quan niệm rằng, con sẽ chừa nếu bị những trận đòn đau, chị còn đem kinh nghiệm này phổ biến cho bạn bè. Nhưng bé nhà chị ngày càng tỏ ra bất cần trước sự quát mắng của bố mẹ. Có những trận đòn anh chị giáng xuống thân thể con trong cả cơn bực tức và nước mắt, nó cứ trân mắt lên nhìn, không khóc, không nói một lời nào. Chỉ đến khi bà chạy vào, nó mới òa lên, nói nó bị oan, không hiểu sao mẹ lại đánh. Từ đó nó có thái độ oán giận, hờn trách, lảng tránh mẹ.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã nhận định rằng, đánh, mắng con trẻ có thể khiến các em bị đau, nhưng điều quan trọng hơn cả là chấn động về tinh thần, tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách, tâm lý và tình cảm của trẻ. Nhiều em bị rối loạn trầm cảm, sợ bố mẹ. Đồng thời, trẻ cảm thấy buồn, có tội và bị tổn thương khi phải chịu các hình thức phạt thân thể và tinh thần. Các biện pháp trừng phạt tinh thần như nhục mạ, làm trẻ xấu mặt trước bạn bè, nói rằng trẻ “mất dạy”, chì chiết về những lỗi lầm của trẻ cũng có ảnh hưởng nặng tới lòng tự tôn của trẻ không kém trừng phạt thể chất. Việc trẻ bị phạt khi không làm đúng như người lớn mong muốn cũng sẽ làm giảm sự sáng tạo của trẻ, khiến trẻ trở nên thụ động. Với những lần bị đánh, trẻ "học" được rằng ai lớn và khỏe hơn thì có thể phạt và đánh những người bé hơn và yếu hơn mình.

Nên tránh nếp nghĩ dạy con bằng roi vọt. Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con, giúp con nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn thành phương tiện để cha mẹ trút giận vì những điều chưa hài lòng ở con là điều nhiều chuyên gia khuyên. Và chính bố mẹ cũng cần trang bị kỹ năng phòng chống bạo hành cho trẻ và phải thật sự là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Thực tế cho thấy, trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược và không vâng lời, trong khi trẻ được yêu thương và dạy bảo với thái độ nghiêm khắc đúng lúc, đúng chỗ lại trở thành con ngoan, trò giỏi.

Minh Tâm