[Kỹ năng sống] Đừng biến ước mơ thành gánh nặng

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một cậu bé có bố là kiến trúc sư, giám đốc một công ty riêng về thiết kế xây dựng làm ăn phát đạt. Ông luôn mong con trai sẽ theo nghiệp mình, nên từ nhỏ đã hướng con vào học vẽ.

Thế nhưng, cậu tỏ ra không hứng thú với môn học này, nên lúc nào cũng trong tình trạng chán nản, rồi dẫn đến bỏ học, tỏ ra cáu gắt, thường xuyên cãi lại bố. Cậu thường làm ngược lại với những yêu cầu của bố mẹ. Không ít lần bố mẹ cậu phải sử dụng cả các biện pháp mạnh như đòn roi, cấm ra khỏi nhà để khống chế con. Kết quả là cậu bỏ nhà đi bụi.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo như cậu nói, thực tình cậu cũng không thích những chuyện phiêu lưu mạo hiểm, cũng không có ai rủ rê hay quá mải mê với bạn bè mà bỏ đi, cậu làm như vậy chỉ đơn giản là để bớt “ngạt thở” hay nói cách khác là “tìm một chút tự do cho riêng mình” và cũng là để cảnh báo cho bố mẹ biết nếu bị ép quá cậu sẽ “từ bỏ tất cả”.
Hiện có hai hình thức kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh với con mình. Một là họ luôn thúc ép con lúc nào cũng phải nổi bật hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa, nếu không như kỳ vọng, họ thường tức giận, la mắng, thậm chí làm tổn thương trẻ bằng những ngôn từ xúc phạm. Và kiểu thứ hai là muốn trẻ phải học theo sở thích, nguyện vọng hay theo đuổi những ước mơ của người lớn hoặc phấn đấu đạt được những thứ bố mẹ chưa làm được.
Thực tế, việc mong muốn những đứa con giỏi giang, thành đạt là điều rất chính đáng và hiện nhiều bậc phụ huynh đã không ngại đầu tư tiền bạc, công sức cho con em mình. Tất nhiên, cùng với sự đầu tư đó thường kèm theo những đòi hỏi rằng con cái của họ phải đạt được cái này, cái kia. Nhưng những đứa con lại cảm thấy quá mệt mỏi khi cứ phải đuổi theo những kỳ vọng quá lớn hoặc khác biệt của bố mẹ. Và một sự thật tưởng như rất nghịch lý nhưng lại đang tồn tại đó là sự quan tâm, đầu tư của bố mẹ dành cho con càng tăng thì hố sâu ngăn cách giữa con và bố mẹ cũng rộng hơn.
Trong khi không phải người con nào cũng đủ sự bình tĩnh và thông minh để học cách đối thoại với bố mẹ, chứng tỏ cho bố mẹ thấy những khả năng thực sự của bản thân trong lĩnh vực mình yêu thích, thông thường trẻ sẽ có cách giải quyết rất tiêu cực là “chống đối”.
Lời khuyên của các nhà tâm lý dành cho trẻ trong tình huống như vậy là hãy sử dụng sự tự do và quyền quyết định của mình một cách khéo léo và an toàn để không ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bản thân, tổn thương tình cảm của bố mẹ.
Còn về phía người lớn, nếu cứ tạo ra cho con những áp lực ngày càng cao hơn và tồn tại trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tạo ra những trở ngại về tâm lý cho con, tạo ra sự hụt hẫng cá nhân khi không thực hiện được những kỳ vọng vì một hạn chế riêng nào đó. Từ đó tạo ra những mặc cảm tự ti và ý nghĩ mình là một con người kém giá trị lại càng làm tăng thêm hẫng hụt, stress kéo dài.
Ước mơ hay kỳ vọng là điều đáng có, nhưng việc bố mẹ biến ước mơ thành một gánh nặng quá sức với trẻ, chính bố mẹ cũng phải là người cần nhìn nhận kỹ năng hành xử của mình trước con.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần