Nhiều cặp vợ chồng vẫn phàn nàn rằng, trước khi có con họ chưa từng cãi vã, thậm chí to tiếng, nhưng giờ lại thường xuyên cãi nhau chỉ vì không thể tìm được tiếng nói chung trong cách dạy dỗ, nuông chiều con cái.
Một phụ nữ kể, chồng chị rất chiều cô con gái, hễ con đòi gì là cho nấy, còn chị luôn muốn nghiêm khắc, dạy con có nền nếp, khuôn phép. Con bé đã lên năm, nhưng anh không muốn con phải làm gì, kể cả những việc đơn giản nhất như xúc cơm, mặc quần áo. Với cái kiểu ấy chị rất sợ con lớn lên sẽ trở thành những cậu ấm, cô chiêu không làm được trò trống gì. Sau mỗi lần lời qua tiếng lại như vậy, vợ chồng anh chị lại giận nhau cả tuần. Vì con, mối quan hệ giữa hai người ngày càng căng thẳng.
Nhiều gia đình cũng rơi vào tình trạng tương tự khi vợ quá chiều con, chồng lại muốn nghiêm khắc, nhưng hai người mạnh ai nấy dạy con theo cách của mình. Và kết quả là vợ chồng liên tục cãi nhau to ngay trước mặt con, còn bản thân đứa trẻ cũng không biết phải nên thế nào. Thực tế, nếu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, đứa trẻ sẽ mất phương hướng, không biết đâu là đúng, đâu là sai, thậm chí còn biết "lợi dụng" sự bất hòa của người lớn để đạt được ý muốn của mình. Chúng cũng có thể dễ dàng nhận ra những sơ hở của bố mẹ trong việc định hướng hành động cho chúng và thường lợi dụng việc này để dựa dẫm, "phá bĩnh" mọi nỗ lực giáo dục của bố mẹ.
Theo các chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn trong cách dạy con là điều rất bình thường và dễ hiểu. Mỗi người đều có hoàn cảnh sống và được giáo dục theo cách khác nhau nên tất nhiên sẽ có quan điểm riêng về cách dạy dỗ thế hệ sau. Bởi vậy, hai người không nên coi điều này là chuyện gì ghê gớm và muốn mau chóng bắt người kia phải nghe theo ý kiến của mình. Để giải quyết vấn đề này, phải xác định việc nào là quan trọng: hiệu quả giáo dục con trẻ hay cách dạy trẻ của ai thắng thế? Nếu lấy hiệu quả giáo dục làm trọng thì bản thân mỗi thành viên trong gia đình phải bình tĩnh rà soát lại tính khoa học, tìm ra phương pháp nuôi dạy trẻ tối ưu để vận dụng phù hợp với thể trạng, sức khỏe, tính cách của trẻ.
Sự tôn trọng và kiềm chế giữa các thành viên trong gia đình để tránh tranh cãi gay gắt trước mặt trẻ về câu chuyện dạy trẻ cũng là một bài học về cách ứng xử đối với trẻ. Không nên quá quyết liệt ngăn cản, phản bác cách dạy trẻ trước mắt chúng. Điều này vừa làm “mất mặt” nhau, vừa phản tác dụng giáo dục với trẻ. Dù dạy trẻ theo phương pháp nào, "cho roi cho vọt" hay "cho ngọt cho bùi" thì tất cả đều mong muốn cho con cái trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội. Chính vì vậy, sự khác biệt quan điểm trong việc giáo dục con cái hoàn toàn là chuyện có thể giải quyết được giữa hai vợ chồng trên cơ sở vì mục đích cao nhất. Điều quan trọng nhất chính là hai vợ chồng cần thống nhất cách giáo dục và nghiêm khắc với con ngay khi trẻ phạm sai lầm. Sự dung hòa hai lối sống khác nhau để tạo thành một cách thức nuôi dạy con cái năng động sẽ giúp có được những đứa con đa năng hơn và kết hợp tinh hoa từ cả bố lẫn mẹ.