Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Dung hòa quan niệm

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít người, khi mới về làm dâu, khá hợp với mẹ chồng và dường như đã trở thành bạn, cùng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Nhưng cái sự yêu mến thuở ban đầu ấy chẳng dài lâu, bởi niềm vui, sự yêu quý quá mức khi đứa trẻ chào đời đã khiến không ít người mẹ trẻ cảm thấy như bị áp lực.

Một người phụ nữ kể, dù mới sinh lần đầu, nhưng chị cũng học được cách chăm con rất nhiều từ sách vở, những người đi trước. Nhưng hễ đứa bé vừa khóc lên một tiếng, thế là cả nhà đã đổ xô vào tìm nguyên nhân, đặc biệt là mẹ chồng chị, nhất quyết muốn chăm cháu theo cách bà đã nuôi con. Trong khi chị lại có quan điểm khác. Chị muốn nuôi dạy cháu theo những gì được học từ các khóa làm cha mẹ, chăm sóc trẻ theo khoa học. Những ngày nắng chị muốn đưa con ra ngoài để nó dạn nắng dạn gió và bổ sung vitamin D, bà lại bảo để nó ở nhà... Từ chỗ hợp nhau, hai mẹ con ngày nào cũng xảy ra cãi vã, làm không khí trong nhà trở nên nặng nề.
 Ảnh minh họa.
Khi mẹ và con là hai thế hệ, hấp thụ những kiến thức khác nhau, sự bất đồng về quan niệm cũng là dễ hiểu. Người bà thì cho rằng kinh nghiệm của mình là đúng, người mẹ trẻ lại nói rằng cách nuôi ấy lạc hậu, không khoa học. Nhiều gia đình đã biết bình tĩnh ngồi lại với nhau, tìm cách giải quyết để tốt cho đứa bé. Nhưng cái lý thuyết ấy tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc dung hòa cách chăm sóc trẻ không phải là quá khó nếu mỗi người tự bớt đi cái tôi của mình. Cuộc sống hiện đại, các cặp vợ chồng đều chọn cách sinh ít con, nên đứa bé càng trở thành thứ quý báu ai cũng giành phần chăm sóc. Trong trường hợp bất đồng, cách giải quyết tốt nhất là bàn bạc để đưa ra sự thống nhất cao trong việc chăm sóc trẻ. Nếu nàng dâu cho rằng bà không biết chăm cháu, cách chăm của bà là cổ hủ, lỗi thời, nên chuẩn bị sẵn đồ ăn và hướng dẫn bà cách cho ăn, uống. Còn người bà, nếu thấy rằng cách chăm sóc của con dâu đúng là khoa học hơn, có lợi hơn cho cháu, giúp cháu phát triển tốt hơn cũng nên thấy đó làm mừng. Không ít gia đình sống đa thế hệ nhưng vẫn giữ được sự hòa thuận và hiện đại. Cũng có không ít cặp vợ chồng còn nhận thấy rằng không thể thiếu ông bà trong việc chăm sóc dạy dỗ các con. Nếu như không có sự thấu hiểu nhau khó mà đi đến sự hòa thuận. Bởi để thành viên nhỏ luôn làm gia đình rộn rã tiếng cười là cả một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra.