Khi con có thái độ cãi lại hoặc bày tỏ quan điểm, anh cho rằng đó là mầm mống của sự hỗn láo, đối kháng và cảm thấy cái uy của mình bị lung lay. Để tạo lập lại quyền uy của mình, anh ra sức trị con bằng giải pháp quát, đánh, mắng và coi đây là giải pháp nhanh nhất. Anh chỉ giật mình khi chứng kiến con anh đang đánh một người bạn trong lớp, anh lôi con ra định đánh cho con một trận thì cậu bé nói “con bảo nó không nghe, phải đánh. Chính bố bảo con thế còn gì”. Anh chợt hạ tay xuống. Đúng thật, mỗi khi bảo con không nghe, anh lập tức quát lên “nói không nghe, hư quá, phải đánh”, thế là đánh con.
Anh cũng như nhiều bậc phụ huynh thường rất thiếu kiên nhẫn để có thể trò chuyện và giải thích cho con về cách chúng nên thể hiện cảm xúc với bố mẹ như thế nào cho đúng. Khi đứa trẻ phản ứng lại với phương pháp này, nó thường khiến cha mẹ phát điên. Và sự đối kháng thường lặp lại mỗi ngày và nhiều đứa trẻ trở nên “cứng đầu”, khó bảo từ kiểu ứng xử này. Quan điểm con cái không được cãi bố mẹ cho dù điều đó đúng hay sai đến nay vẫn được nhiều người coi như một chân lý. Nhưng chính sự ấm ức trong lòng vì nhiều khi bị đánh, mắng oan, trẻ cũng không được thanh minh, sẽ oán trách và nghi ngờ tình thương của bố mẹ.
Theo các nhà tâm lý học, giúp trẻ biết kiềm chế và thể hiện tình cảm là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển cá tính và nhân cách. Việc đó đòi hỏi các bậc bố mẹ cần làm ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bắt đầu có nhu cầu thể hiện sự tự khẳng định mình bằng những hành động bột phát. Hãy để trẻ có quyền tự do được bộc lộ tình cảm, kể cả ở khía cạnh tiêu cực. Nếu trẻ nói ra được tình cảm tiêu cực, có tâm trạng thoải mái hơn, mới có chỗ để tình cảm tích cực thay thế. Nếu người lớn quát mắng, cấm không cho trẻ bộc lộ tình cảm tiêu cực, cũng có nghĩa là đã ngăn chặn tình cảm tích cực xuất hiện. Tuy nhiên, được bộc lộ cảm xúc không có nghĩa là tự do không có giới hạn. Hay nói cách khác để con được bộc lộ tình cảm tự nhiên không có nghĩa là để con tự do hành động. Điều cơ bản là phải thông cảm với tâm trạng của trẻ (sợ hãi, bực dọc, nổi khùng...) và cần nói cho con hiểu rằng, trẻ có thể nói với người khác là nó đang tức điên lên nhưng dù tức điên đến mấy cũng không được đánh ai. Và cũng cần chỉ cho trẻ biết rằng, trẻ cũng có thể nói với bố mẹ rằng nó không thích làm hoặc không đồng tình với điều bố mẹ đưa ra, nhưng không được tỏ thái độ hỗn xược...
Yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, chính cha mẹ cũng cần có nhưng kỹ năng cơ bản, mà một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, để không xảy ra tình trạng “cả giận mất khôn” làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình trước mặt con. Đừng tạo thành tấm gương xấu cho con cái noi theo, mà hãy dùng tình cảm và suy nghĩ tích cực của mình để giúp con có cá tính và phẩm chất. Đấy chính là một cách tự tạo cho mình kỹ năng sống tốt và giúp con có được kỹ năng ấy trong tương lai.