Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Hòa hợp

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, việc những người đàn ông sau khi kết hôn sống cùng gia đình vợ không còn là chuyện quá hiếm.

Và nguyên nhân không hẳn liên quan gì đến vấn đề kinh tế hay địa vị. Có thể vợ là con một, nhà vợ đơn chiếc, có thể do điều kiện cần tiết kiệm chi phí, thuận tiện đi làm… Đặc biệt, rất nhiều người có hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng vẫn “tình nguyện” ở rể. Một người đàn ông kể, anh kết hôn và sống cùng gia đình nhà vợ được hơn 4 năm. Vợ của anh là con gái duy nhất của gia đình. Ngay từ buổi đầu yêu nhau, cô đã khéo léo cho anh biết trước yêu cầu của gia đình là “bắt rể”. Trước khi cưới, anh cũng đắn đo, cuối cùng, vì thương và thông cảm cho vợ, anh đồng ý sống cùng bố mẹ vợ. Bố mẹ anh lúc đầu cũng không thoải mái lắm vì gia đình kinh tế khá giả, có đầy đủ điều kiện để mua nhà riêng cho hai vợ chồng, nhưng bố mẹ vợ anh đã qua nói chuyện nhiều lần, ông bà cũng hiểu ra và đồng ý. Và lúc đầu anh cũng chỉ định ở một vài năm, rồi sẽ mua nhà riêng. Nhưng trong những năm chung sống, anh thấy cuộc sống với gia đình vợ thật dễ chịu. Việc mua nhà riêng trở nên không còn cần thiết. Anh dự tính sẽ đưa cho bố mẹ vợ số tiền dự tính mua căn hộ, coi như đóng góp tiền nhà.
 Ảnh minh họa
Nhiều người cho rằng, hiện không ít gia đình chỉ có hai con gái mà con rể không chịu ở nhà vợ thì có nghĩa là cả hai con gái sẽ phải “ra đi” hết, chỉ còn lại hai ông bà già. Nên việc có thêm một người con rể cũng giống như có con trai trong nhà vậy. Bởi thế, sống cùng gia đình vợ hiện dù đã trở thành chuyện bình thường. Không ít người dù thế mạnh kinh tế không đủ để hậu thuẫn cho lòng tự tin nhưng vẫn thấy thoải mái với cuộc sống ở rể bởi họ xây dựng được cách cư xử phù hợp. Nhưng cũng vẫn có không ít người cảm thấy ngượng ngùng. Họ cũng lúng túng, lo lắng và cảm thấy áp lực như cô dâu mới cưới về nhà chồng. Nhiều người thường nói: Dù rất hợp gu với bố vợ và ông bà khá tâm lý, họ vẫn chưa thể xem bố mẹ vợ như bố mẹ mình, khác với việc vợ họ thân thiết với bố mẹ chồng. Trong cách cư xử thường ngày, họ khá giữ kẽ và cảm giác bố mẹ vợ cũng như thế, tuy nhiên xung đột là không xảy ra. Thực tế phần lớn các trường hợp ở rể không được “cơm lành canh ngọt” đều không phải vì tính nết không hợp, mà do tư tưởng kỳ thị và nhiều khi lại xuất phát từ chính con rể. Nhiều người nghĩ hơi nhiều đến sĩ diện của mình mà ít quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Để giúp chồng hòa nhập với cuộc sống ở rể, vai trò và kỹ năng cư xử của người vợ rất quan trọng. Sự cảm kích vì chồng đã “hy sinh” nên được duy trì suốt những năm chung sống để tăng sự tôn trọng lẫn nhau. Người vợ cũng không nên dựa thế nhà mình để lấn lướt chồng, bởi giữ vai trò trụ cột là ý thức bản năng của đàn ông. Nếu người vợ là một phụ nữ tế nhị, khéo điều hòa các mối quan hệ trong gia đình thì có khi người con rể còn được yêu quý hơn cả con đẻ.