Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Không nên phơi mọi thứ trên mạng

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh Tuấn (tên của các nhân vật trong bài này đã được đổi - NV) thường than thở, anh khổ và nhiều lúc rất xấu hổ vì vợ của anh có chuyện gì cũng đăng trên facebook hay Zalo, nhất là chuyện không hài lòng về chồng.

Anh nói: “Tôi đã nhiều lần năn nỉ vợ đừng đưa chuyên vợ - chồng lên mạng, đừng để người ta chê cười. Nhưng vợ nghe được một thời gian rồi lại tiếp tục đăng”.

Anh Thứ còn xấu hổ hơn khi vợ viết những lời tục tĩu khi nói về anh trên Zalo. Những lúc như thế, anh không biết chui vào đâu để đỡ ngượng. Anh nói, tình trạng này diễn ra vài lần nữa không khéo phải tính chuyện chia tay, điều anh không muốn. Vợ anh gần như tuần nào cũng có lời nói than vãn vu vơ nào đó, rồi thỉnh thoảng nhận xét về chồng kiểu: “Thiếu bản lĩnh sống”, “Hèn nhát”, “Chỉ biết ăn, không biết làm”… Rồi chị ta còn tuyên bố: “Khinh”, “Từ giờ trở đi không tôn trọng thứ ấy”…
Người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo không nên đăng mọi thông tin, mọi chuyện gia đình công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Công Hùng
Đó là những lời lẽ không nên bộc lộ ngay cả cuộc sống trong đời thường chỉ hai vợ chồng biết, còn khi đã phơi bày trên mạng xã hội có hàng trăm, hàng nghìn người biết sẽ khiến đối phương đau đớn và xấu hổ đến mức nào.

Nhiều người xem Facebook hay Zalo… là những trang nhật ký của cuộc đời, mọi chuyện vui buồn họ đều ghi lại. Có không ít người đem chuyện mâu thuẫn vợ chồng, những nhận xét về chồng/vợ lên mạng như một kiểu vừa “đánh động”, “dằn mặt” đối phương, vừa để xả stress. Trong những trường hợp này, đa số người đọc, xem dòng trạng thái ấy sẽ bày tỏ thái độ hay nhận xét một cách vô tội vạ, được chăng hay chớ; rất ít người có sự khuyên răn đúng mực (thường là nhắn tin hay gọi điện thoại riêng).

Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, không nên coi mạng xã hội như một cuốn nhật ký truyền thống (thường chỉ người viết đọc), bởi chúng sẽ phơi bày tất cả và có tác động tiêu cực cho những người được nhắc/ám chỉ. Kể cả cho người viết cũng bị ảnh hưởng vì sau đó là cảm giác hối hận, hay thêm phấn khích. Nhất là khi có những bình luận thiếu suy nghĩ, thậm chí ác ý sẽ khiến sự việc tồi tệ thêm.

Chúng ta đang ở trong thời đại mà cú nhấp chuột gần giống như sự lỡ lời, nhưng quái ác lời nói chỉ có số ít người nghe còn việc nhấp chuột sẽ truyền tải đến hàng trăm, hàng nghìn… người đọc. Lời nói gió bay, còn những dòng hay hình ảnh trên mạng có khi lưu giữ vĩnh viễn bởi sự “lưu” hay “chia sẻ”.

Người xưa đã căn dặn “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Vậy, cần suy nghĩ thật kỹ khi phán xét, đổ lỗi một ai đó trên mạng. Có chuyên gia tâm lý khuyên: “Nên đi dạo để bình tâm trước khi có ý định đăng lên mạng một việc gì đó bản thân cảm thấy bức xúc”. Mọi mâu thuẫn nếu có trong gia đình nên được trao đổi thành thật với nhau để có hướng giải quyết. Mâu thuẫn chỉ bị “lộ” ra ngoài khi khó giải quyết, cần phải nhờ tới nhân viên hòa giải hay người có kinh nghiệm, uy tín trong gia đình như bố/ mẹ, ông/bà.